Khi nhận được lời đề nghị viết lời giới thiệu cho cuốn sách này, tôi có chút đắn đo trước khi nhận lời vì khá eo hẹp về thời gian trong khi yêu cầu khá gấp, lại rơi vào đúng giai đoạn tôi đang có một số việc khác phải quan tâm. Tuy nhiên, tôi đã đồng ý ngay khi nhìn lướt qua tiêu đề Dịch bệnh: Kẻ thù nguy hiểm nhất và những trang giới thiệu đầu tiên. Tôi nhận thức rõ là cần phải đọc kỹ cuốn sách này vì chắc chắn nó đề cập đến ngành Y tế Công cộng (YTCC) mà tôi tâm huyết và luôn nhắc mình là phải tìm hiểu và học nó cả đời mà chắc chắn vẫn chưa đủ, đơn giản chỉ vì vừa quá rộng, vừa rất có ý nghĩa cho việc bảo vệ và tăng cường sức khỏe cộng đồng! Tuy nhiên, nó lại chưa thực sự được hiểu đúng ở Việt Nam mà biểu hiện rõ ràng nhất được thể hiện qua cách nhìn của xã hội và đầu tư kinh phí! Càng đọc, tôi càng nhận ra rằng cuốn sách này cần cho nhiều người: từ những cô cậu học trò tốt nghiệp lớp 12 đang tìm hướng đi cho mình trong việc xác định nghề nghiệp (tất nhiên, chỉ nên quyết định nếu thực sự say mê và hiểu rõ rằng đó là một nghề đòi hỏi dấn thân, với rất nhiều khó khăn cả trước, trong và sau khi bước chân vào!) tới những cán bộ đang công tác trong ngành Y cũng như những ngành liên quan, và thậm chí cả những người lãnh đạo đang chịu trách nhiệm phát triển và định hình chiến lược bảo vệ, tăng cường sức khỏe quốc gia.
Đây thực sự là thời điểm tốt nhất để đưa cuốn sách này ra công chúng, bởi nội dung của nó đã giải thích khá đầy đủ, tương đối cặn kẽ về mối quan tâm lớn nhất hiện nay của tất cả chúng ta không phải chỉ ở Việt Nam, mà cả trên toàn thế giới – đại dịch COVID-19. Dù được viết từ năm 2017, nhưng những dự báo của cuốn sách, những câu chuyện các tác giả kể cho chúng ta, những gì đã xảy ra và cách thế giới đang chật vật đối phó, theo cảm nhận của tôi thì giống hệt như các tác giả đang mô tả hiện trạng đại dịch COVID-19 ở hiện tại! Tuy nhiên, nghĩ kỹ lại, có thể thấy không quá khó để dự đoán như vậy, với những bằng chứng rất đáng tin cậy mà các tác giả đã thu thập và cung cấp. Đấy là kết quả tất yếu mà loài người, hay nói cách khác là cả thế giới của chúng ta tới một kịch bản như vậy. Nhưng vẫn bất ngờ vì nó xảy ra quá nhanh!
Với 21 chương được trình bày một cách khá tóm tắt, luôn khu trú vào mục tiêu liên quan tới tên cuốn sách “kẻ thù nguy hiểm nhất”, cùng với cách đề cập trả lời 5 câu hỏi cơ bản trong việc khai thác các thông tin liên quan tới kẻ thù nguy hiểm đó: ai (Who), cái gì (What), khi nào (When), ở đâu (Where), tại sao (Why) và như thế nào (How) khá kinh điển và lúc nào cũng phải có trong các giáo trình giảng dạy dịch tễ học, các tác giả đã dẫn dắt chúng ta đi với cách thức giống như cách các thám tử điều tra một vụ án trong suốt hơn 400 trang sách bằng việc kể lại những câu chuyện của chính bản thân mình khi từ thì còn rất trẻ, mới bắt đầu chú ý tới các hoạt động y tế công cộng (YTCC), tới những hoạt động tham gia đầu tiên và tới khi trở thành các chuyên gia YTCC nổi tiếng thế giới. Mà đúng như vậy, bản chất của việc điều tra một vụ dịch không thể khác với việc điều tra một vụ án mạng được! Cũng là những tác nhân giấu mặt gây ra án mạng, cũng là những thủ đoạn gây tổn thương, cũng là nơi án mạng xảy ra và thời gian nó xảy ra, cũng là những yếu tố thuận lợi, và rồi cuối cùng cũng là các hoạt động tấn công trên từng cơ thể sống cụ thể và hậu quả của các cuộc tấn công đó. Tuy nhiên, cái có thể khác là thay vì một hoặc một vài cá thể là nạn nhân trong một vụ án mạng thì ở đây nhiều cá thể sẽ là nạn nhân. Nếu khu trú tại một địa phương thì ta gọi đó là DỊCH, và nếu đến mức như COVID-19 đang hoành hành thì ta gọi đó là ĐẠI DỊCH! Trong những vụ dịch và đại dịch đó, việc hợp tác để tìm hiểu, phát hiện và tìm ra căn nguyên là không thể không có và rất quan trọng! Các bạn đã từng thấy có một nhà điều tra nào không hợp tác với ai mà lại tìm ra thủ phạm gây án chưa? Các tác giả đã mở rộng để chúng ta dần nhận thấy rằng logic nhân-quả thực sự quan trọng trong suy luận dịch tễ học, không chỉ dừng lại ở phát hiện căn nguyên các vụ dịch và con đường phát tán, mà còn cả trong dự đoán những viễn cảnh hủy diệt do những nguyên nhân được tích lũy vì thiếu kiến thức, quá tham lam, hay vì sự vô tâm của cả những người có, lẫn chưa có kiến thức đầy đủ, và đáng quan tâm hơn là vì dã tâm của những thế lực thù địch cũng như những kẻ làm khoa học bị “tâm thần” khi có xu hướng sử dụng khoa học vào những mục tiêu đi ngược lại với sự phát triển cũng đã được cảnh báo như ở Chương 10. Theo đó, một mặt vi sinh vật biến đổi rất nhanh để thích nghi, mặt khác loài người mặc dù biến đổi chậm hơn về mặt sinh học nhưng cũng phát triển rất nhanh về số lượng cho phép hình thành một quần thể đủ lớn để tiếp nhận những vụ đại dịch trên quy mô hàng tỷ người thay vì chỉ là hàng triệu người như hồi đầu thế kỷ 19. Với những loài động vật sống gần người thì tình hình còn nguy hiểm hơn, vì số lượng của chúng có đến nhiều tỷ và nếu bạn hình dung được việc vận chuyển của cả người và động vật ngày nay dễ dàng và nhanh chóng tới nhường nào thì bạn có thể biết ngay là nguy cơ lớn đến mức nào nếu như kẻ thù nguy hiểm nhất ấy thích nghi cả trên quần thể người và động vật! Hơn thế nữa, khoa học đã giúp các vi sinh vật nhỏ nhoi đó biến đổi để nhân lên nhiều hơn, với ý tốt là để phục vụ lợi ích phát triển của con người. Nhưng còn với những ý đồ xấu thì sao? Đây là những câu hỏi rất khó trả lời và thực tế là chưa có những câu trả lời thỏa đáng! Vẫn cần phát triển khoa học nhưng cũng không thể để xảy ra những hậu quả không thể khắc phục được! Đó là mệnh lệnh, nhưng những băn khoăn vẫn còn đó. Các tác giả sẽ chia sẻ chi tiết với bạn ở Chương 10 và Chương 11. Chương 16 về kháng thuốc diễn tả chi tiết những vấn đề nan giải không kém. Thực tế đây là một trong những mối lo ngại lớn nhất của YTCC. Kháng thuốc đang diễn ra với tốc độ ngày một nhanh. Trong khi đó, vì nhiều lý do, việc lạm dụng kháng sinh và tăng cường cho sự ra đời của những kháng sinh mới cũng đang tăng tốc để cạnh tranh, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Rồi không thể không kể tới là các quần thể động vật khác nhau từ trên cạn, bay được ở trên không và sống dưới nước cũng phải được sử dụng và lạm dụng kháng sinh và hậu quả của nó chắc chắn là kháng kháng sinh đã xuất hiện tới mức báo động! Với tình trạng này, Chương 17 cũng gợi ý ra một số giải pháp. Mặc dù theo định nghĩa mang tính kỹ thuật của YTCC, chúng là những giải pháp không đặc hiệu, nhưng vô cùng hiệu quả, tương tự như trong việc khống chế đại dịch COVID-19: vắc-xin được coi là giải pháp đặc hiệu còn những gì cho tới nay chúng ta đang làm là các giải pháp không đặc hiệu. (Kể cả điều trị, vì virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Và điều trị ở đây chỉ giúp cho bệnh nhân hấp thụ được oxy trong trường hợp không thể tự thở được là một ví dụ.) Nhưng hiệu quả của những biện pháp mà chúng ta đang áp dụng với đại dịch COVID-19 hoàn toàn không thể chối cãi!
Những chương tiếp theo giới thiệu về nguy cơ, về các loại dịch bệnh cần ưu tiên ở mức toàn cầu, về vắc-xin, về các vector nguy hiểm tồn tại dai dẳng trong khi những tiến bộ vẫn chỉ dừng lại ở việc mô tả tương lai của đầu ra của khoa học cũng đã được các tác giả chia sẻ rõ ràng với độc giả như vắc-xin liên quan tới sốt rét hay HIV. Tất cả đều là những thông tin cập nhật thậm chí cả với các đồng nghiệp đang thực hành YTCC trong nhiều hệ thống y tế quốc gia. Cuốn sách cũng tiết lộ một cách thẳng thắn, khoa học rằng một đất nước giàu có cả về tiền bạc lẫn trí thức và khoa học như nước Mỹ vẫn đang còn quá nhiều hoạt động còn đang bị bỏ ngỏ, quá nhiều việc phải làm để đảm bảo rằng những nguy cơ quan trọng nhất đã được kiểm soát. Đọc những chương này ta học được nhiều điều rằng dù vấn đề có phức tạp đến đâu thì những giải pháp cũng phải được tìm ra nhưng chắc chắn có những người phải đau đầu hơn để bàn bạc, nghiên cứu và phân tích. Những giải pháp này chắc chắn phải bao gồm cả những khía cạnh chính sách, vì như các tác giả đã chỉ ra một cách đầy kinh nghiệm và rõ ràng rằng nếu không có sự hỗ trợ của một chính sách tốt thì mọi cố gắng chuyên môn đều trở nên ít tác dụng, thậm chí thất bại. Những chủ đề đó cũng cho chúng ta thấy sự phức tạp của những “kẻ thù nguy hiểm” và còn hơn thế nữa, những ý đồ, âm mưu xấu xa và đó là lý do cần phổi hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, các nhà khoa học, các phòng thí nghiệm các bộ phận liên quan, các chính phủ để đáp ứng, khống chế và giải quyết. Cuối cùng là các vấn đề liên quan tới sức khỏe quần thể phải được khống chế và kiểm soát một cách khoa học, hiệu quả. Bạn đọc sẽ thấy rất lý thú khi đọc kỹ những chương này. Viết tới đây tôi lại nhớ tới câu nói nổi tiếng đã dẫn đường cho Ngài Angus Deaton, Giáo sư trường đại học Princeton, Mỹ tới giải thưởng Nobel năm 2015 rằng: “Chính sức khỏe, chứ không phải là phát triển kinh tế đã dẫn dắt loài người tới sự phát triển như ngày nay”. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, truyền thông của Bộ Y tế Việt Nam và WHO đã làm những người trong ngành Y tế của Việt Nam trở nên háo hức và rất quan tâm khi nhận được những thông tin rằng: Trong ba nhóm bệnh được WHO phân loại là: 1. Các bệnh truyền nhiễm và dinh dưỡng; 2. Các bệnh mạn tính không lây; và 3. Chấn thương các loại; các bệnh thuộc nhóm 1 đã giảm và vì vậy không còn là nhóm bệnh chiếm ưu thế nữa. Công bố này cũng có nghĩa mô hình bệnh tật của Việt Nam đã thay đổi từ mô hình bệnh của các nước đang phát triển sang tương tự như của các nước phát triển – đối đầu chủ yếu với các bệnh mạn tính không lây. Điều này mang rất nhiều ý nghĩa về việc xây dựng chiến lược ứng phó mới của ngành y tế! Tuy nhiên, cùng lúc nhận được thông tin đó, ngành y tế đã chứng kiến vụ
dịch SARS-CoV kinh hoàng, cũng được mô tả trong cuốn sách này. Ngay lúc đó, có người đã nghĩ rằng không phải các bệnh truyền nhiễm và dinh dưỡng thuộc nhóm 1 đã trở thành thứ yếu, mà chúng chẳng qua chỉ chưa gây những vụ dịch lớn hay đại dịch mà thôi! Và tiếp đó là những nội dung liên quan tới mạng lưới Một Sức Khỏe – khái niệm cũng đề cập trong cuốn sách này – được thành lập với sự hỗ trợ của USAID cho khu vực. Trường Đại Học YTCC Hà Nội khi đó cũng là một thành viên sáng lập cùng với ba thành viên khác từ các đại học ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Một số tên người được nhắc đến trong khuôn khổ của cuốn sách cũng đã tới thăm trường Đại Học Y tế Công Cộng Hà nội như: Bộ trưởng Micheal Leavitt, GS. Duane J Gubler, TS. Seth Berkley. Còn nhiều người khác nữa, không được kể tên ở đây đã hỗ trợ cho sự ra đời của trường và giúp ngành YTCC Việt Nam m từ những ngày đầu của sự phát triển – tôi vô cùng ngưỡng mộ và biết ơn họ!
Trân trọng giới thiệu cuốn sách này với bạn đọc.
GS. Lê Vũ Anh M.D, Ph.D
Chủ tịch Hội Y tế Công cộng
Hiệu trưởng sáng lập Trường Đại Học YTCC Hà Nội.