Liệu pháp miễn dịch có phải lựa chọn cho mọi bệnh nhân ung thư?

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư là phương pháp điều trị mới ra đời với nhiều hứa hẹn. Theo Trung tâm Ung thư MD Anderson (Đại học Texas, Mỹ), khác với xạ trị và hóa trị, liệu pháp miễn dịch không tác động trực tiếp vào khối u. Thay vào đó, phương pháp này sử dụng các khả năng tự nhiên của hệ miễn dịch của bệnh nhân để chống lại tế bào ung thư.

Các tế bào T của hệ miễn dịch có khả năng nhận biết và tiêu diệt các mầm bệnh hoặc các tế bào không lành mạnh một cách chọn lọc. Tuy nhiên, chúng bị giữ lại bởi các “chốt” kiểm soát miễn dịch (immune checkpoint), có chức năng đảm bảo hệ miễn dịch không phá hủy nhầm các tế bào khỏe mạnh trong quá trình đáp ứng miễn dịch. Tế bào ung thư có thể lợi dụng các chốt kiểm soát này để tránh sự phát hiện và tấn công của hệ miễn dịch.

Khi thực hiện liệu pháp miễn dịch, người bệnh sẽ sử dụng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (checkpoint inhibitors) để giải phóng tế bào T, cho phép hệ miễn dịch tìm và phản ứng với tế bào ung thư. Cơ chế này làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư, hạn chế sự lan rộng của chúng đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Liệu pháp miễn dịch giải phóng và kích thích tế bào T chống lại tế bào ung thư
Liệu pháp miễn dịch giải phóng và kích thích tế bào T chống lại tế bào ung thư

Liệu pháp miễn dịch hiện được áp dụng vào điều trị một số dạng ung thư: Ung thư hắc tố, ung thư phổi, ung thư bàng quang, ung thư dạ dày, gan, ung thư ở hệ bạch huyết…

Tuy nhiên, cơ chế của thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch không đảm bảo hiệu quả với tất cả bệnh nhân. Người bệnh ung thư tụy, tiền liệt tuyến và u thần kinh đệm không đáp ứng tốt với liệu pháp này. Nguyên nhân của hiện tượng này vẫn là một câu hỏi lớn mà giới chuyên gia chưa tìm ra lời giải đáp.

TS.BS Padmanee Sharma của MD Anderson gợi ý một số giả thuyết về hiện tượng này. Thứ nhất, tế bào T cần có mặt trong khối u để có thể tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, tế bào ung thư cũng có thể hình thành một số đột biến hoặc cơ chế để ngăn tế bào T xâm nhập vào khối u.

Thứ hai, khối u có thể phản ứng lại với hệ miễn dịch bằng cách tắt con đường truyền tín hiệu mà tế bào T thường phát hiện, từ đó làm giảm đáp ứng miễn dịch.

Thứ ba, các tế bào miễn dịch khác như bạch cầu xuất hiện trong khối u với số lượng lớn, cản trở hoạt động của tế bào T.

Cuối cùng, ở người bệnh ung thư giai đoạn muộn, khu vực khối u di căn tới có thể sở hữu môi trường tế bào khác với vị trí nguyên phát. Vì thế, tế bào T sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn trong môi trường lạ.

Theo TS.BS Sharma, việc vận dụng liệu pháp miễn dịch đòi hỏi thầy thuốc am hiểu về sự tác động lẫn nhau và biến đổi không ngừng giữa khối u và hệ miễn dịch.

Việc điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Chẩn đoán đúng giai đoạn, chỉ định đúng, kết hợp với các phương pháp điều trị khác. Liệu pháp miễn dịch cũng chưa thay thế hoàn toàn các phương pháp điều trị ung thư lâu đời như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

Link gốc: https://suckhoecong.vn/nghin-le-mot-dem-k-lan-21-phuc-hoi-chuc-nang-cho-benh-nhan-ung-thu-d79496.html