Hiện các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm câu trả lời về việc liệu Omicron có thể “lẩn trốn” vắc-xin hay không. Dữ liệu ban đầu sẽ được thu thập từ các xét nghiệm máu của những người đã được tiêm vắc-xin hoặc động vật thí nghiệm.
Theo ông John Moore, giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Đại học Y Weill Cornell, “Có rất nhiều phòng thí nghiệm đang tích cực nghiên cứu và kiểm tra mức độ kháng thể của Omicron. Quá trình này sẽ mất vài tuần”.
Song David Ho, giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Đại học Columbia ở New York thì tin rằng, Omicron sẽ có mức độ kháng vắc-xin đáng kể do đây là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2. “Các kháng thể vắc-xin nhắm vào 3 vùng trên đột biến của virus và Omicron có đột biến ở cả 3 vùng đó”, ông Ho cho biết.
Tuy nhiên, nếu xem xét các biến thể trước đó, chẳng hạn như Beta, chúng ta dễ dàng nhận thấy vắc-xin vẫn phát huy tốt vai trò của mình. Dù Beta cũng có các đột biến khiến vắc-xin kém hiệu quả, song các chiến dịch tiêm chủng diện rộng vẫn giúp ngăn ngừa tối đa khả năng bệnh trở nặng và tử vong. Bởi theo các chuyên gia, ngay cả khi các kháng thể trung hòa do vắc-xin tạo ra trở nên kém hiệu quả hơn, các bộ phận khác của hệ miễn dịch, được gọi là tế bào T và tế bào B, vẫn sẽ kích hoạt hệ miễn dịch trước sự tấn công của virus.
Theo ông John Wherry, Giám đốc Viện Miễn dịch học Penn tại Philadelphia, “Việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 vẫn có thể giúp người nhiễm biến thể Omicron tránh nguy cơ nhập viện và tử vong”. Ông Danny Altmann, Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Imperial College London cũng cho rằng: “Người nhiễm biến thể Omicron phải nhập viện tại Nam Phi chủ yếu là những người chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, chứ không phải đã được tiêm chủng”.
Chính vì vậy, vắc-xin vẫn được cho là giải pháp hữu hiệu nhất giúp thế giới đối phó với làn sóng bùng phát của biến thể mới. Câu hỏi duy nhất đặt ra lúc này là mức độ bảo vệ của vắc-xin trong việc ngăn chặn biến thể Omicron là bao nhiêu.