Shakespeare vĩ đại từng để lại một thông điệp lớn trong vài chữ: Hiện hữu hay không hiện hữu, đó mới là vấn đề (To be or not to be, that is question!). Tôi muốn mượn cách này để nói một câu chuyện về “lượng mua sách: in, điện tử… vẫn tăng, nhưng tỷ lệ đọc – hiểu còn rất đáng ngờ”.
Gần đây, khi về hưu, và bị giãn cách COVID-19, trở thành “tỷ phú thời gian”, có thì giờ đọc nhiều, thậm chí, tôi mua một quyển sách với nhiều phiên bản (để đối chiếu và tiện dụng). Đối chiếu vì đọc các bản dịch Việt ngữ (trừ các sách văn học) rất khó hiểu, nên phải tốn tiền mua thêm bản tiếng Anh. Một thầy giáo dạy tiếng Anh nói với tôi: “Tôi đọc cuốn The end of the power của Moise Naim phiên bản tiếng Anh thấy dễ hiểu hơn, so với bản dịch tiếng Việt”. Người không hiểu chuyện sẽ chê rằng bạn tôi “chảnh”, vì giỏi tiếng Anh. Thật ra, hiện nay trên thị trường sách tại nước ta, chỉ quan sát bằng mắt thường cũng thấy sách dịch quá nhiều, nhất là sách văn học. Nhà văn Việt Nam dường như ít viết, kể cả thành danh trong “Hội nhà văn”, còn nhà văn trẻ thì tác phẩm rất khó xuất bản. Trong thư viện của tôi vẫn là hai tên tuổi “cũ”: Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư. Các nhà văn thời chiến nay dường như cạn đề tài hoặc tuổi tác quá nặng khiến mạch văn bị xơ vữa như các động mạch vật lý? Trong khi đó, cuộc cách mạng kỹ thuật số dẫn tới cuộc cạnh tranh giữa sách in và sách điện tử (hay ebook), hay sách nói (audiobook), không chờ đợi bất cứ ai!
Sự khởi đầu của ebook vẫn là chậm
Sách in bắt nguồn từ việc phát minh ra máy in vào những năm 1400. Còn “giấy khai sinh” của ebook ghi “những năm 1970”. Sự thay đổi không hề nhanh như chúng ta thường nghĩ.
Có thể nói bản ebook đầu tiên ở Mỹ (và có thể là của thế giới) chính là bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ khi đưa thành tài liệu cho học sinh học. Sau đó, những phiên bản sách Softbook và Rocket Ebook – đã có mặt vào năm 1998. Đây cũng là lúc các thư viện đại học bắt đầu cung cấp dịch vụ Sách điện tử rộng rãi. Tiếp theo, một làn sóng số hóa sách và tài liệu lan rộng khắp nơi, cung cấp một nghề mới (thật ra là cũ: đánh máy tài liệu, nhưng thay vì dùng máy chữ thì người ta dùng máy vi tính, tiếng Việt gọi nôm na là “đánh máy vi tính”.
Năm 1996, trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Mỹ, tôi đã có dịp ở homestays trong một gia đình Việt kiều ở Virginia. Tôi ngạc nhiên thấy cả gia đình tập trung làm một công việc khá xa lạ với tôi lúc bấy giờ, dù tôi đã xài computer và email. Đó là họ hợp đồng “số hóa” các tài liệu của một cơ quan chính phủ Mỹ, nghĩa là họ đánh máy lại các tài liệu in. Hợp đồng khá dài và công việc kiếm sống thật ổn định. Sau này, tôi biết thư viện báo Tuổi trẻ cũng số hóa toàn bộ sách và báo cũ xuất bản từ tháng 9/1975. Thật tiện lợi cho việc tìm kiếm các tư liệu cũ, như đam mê của ông tổ chủ nghĩa Mark. Karl Marx từng nói niềm say mê suốt đời của ông là tìm tòi trong thư viện.
Bây giờ nghĩ lại, chúng ta thật khó tưởng tưởng khó khăn sẽ như thế nào, nếu trong đại dịch COVID-19 mà không có mạng trực tuyến. Cho dù bạn đang tải xuống cuốn tiểu thuyết hay một sinh viên đang tìm kiếm trợ giúp về một luận văn, mọi thứ đều trực tuyến. Tất cả định dạng đó đều được coi như ebook. Thêm vào đó, thậm chí còn có nhiều thiết bị đọc sách điện tử hơn từ Kindles đến Nooks và thậm chí cả máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh. Trong trường hợp của tôi, hiện nay hầu như tôi chỉ đọc sách qua iphone và tôi có thể dẫn nguồn từ đó. Điều này cho thấy ý nghĩa học thuật của ebook là ngày càng tin cậy. Đơn giản là với ebook tôi có thể phóng to chữ vừa với thị lực của mình, và có thể đọc bất cứ nơi đâu, ngay trong toilet.
Nhiều ông bạn già của tôi cũng muốn đọc ebook, nhưng gặp ba trở ngại đầu tiên: một là không chịu nâng cấp thiết bị đọc, hai là không chịu xài thẻ tín dụng và ebanking, và ba là lười mua. Tất nhiên lương hưu khiêm tốn, nhưng hầu hết bạn già của tôi đều được hưởng phước con cái, nên không phải không có tiền đủ cho việc thích đọc sách.
Một điều nữa là phiên bản ebook thay đổi định dạng rất nhanh, nên lưu giữ như một thư viện cá nhân (như với sách in) trở nên một bất an cho những người già, vốn có thói quen thích lưu giữ “vật thể” trong khi cái gì trên mạng thì coi như “phi vật thể”.
Ebook tương tác hơn
Tất nhiên ebook mang tính tương tác cao hơn. Nhiều ông bạn già của tôi cho rằng sách điện tử chữ nhỏ, màn hình chật khó đọc, nhưng thật ra, có thể phóng chữ to và thay đổi màu sắc thích hợp để đọc. Ở tuổi trên 60, mắt kém, đọc sách in chữ nhòe lắm, vì vậy ebook là một chọn lựa tốt đối với tôi.
Ngoài ra, ebook cũng cho phép tôi tìm định nghĩa các từ, hay tìm nội dung các chú thích, một cách dễ dàng, ngay trên màn hình, không cần phải đi tìm tự điển hay nguồn tham khảo như khi đọc sách in. Tuy vậy, các bản ebook Việt ngữ thường chưa có đủ các tính năng tiện dụng này.
Một đặc điểm chung nữa là người đọc có thể tra cứu thông tin liên quan trong ebook hơn là tìm kiếm nguồn khác. Điều này làm cho ebook trở thành một lựa chọn phổ biến đối với học sinh nói riêng. Tuy vậy, nhà tâm lý học Jim Taylor chỉ ra rằng đây là một bất lợi tiềm ẩn đối với trẻ em. Trẻ em vẫn thích trải nghiệm xúc giác (mùi thơm của giấy chẳng hạn) – thứ mà không phải lúc nào các thiết bị điện tử cũng có được. Các cháu tôi hiện nay vẫn đọc sách in “Harry Potter” hoặc “Lược sử thế giới” của Yuval Noah Harari (phiên bản có hình vẽ dành cho trẻ em). Hình như cha mẹ chúng chưa cho phép chúng tùy tiện đọc các phiên bản điện tử vì sợ mắt bị ảnh hưởng.
Ebook rẻ hơn
Khi nói đến giá cả, ebook thường có giá phải chăng hơn. Điều này rất có ý nghĩa đối với thu nhập của đa số người Việt chúng ta. Thậm chí rất nhiều sách kinh điển được cung cấp ebook miễn phí. Ví dụ, tôi đọc đi đọc lại hàng ngày cuốn ebook miễn phí trên mạng ebook Miki: “Muốn sống lâu trăm tuổi” của Giáo sư y khoa Tề Lục Quốc, và thực tế, làm theo lời khuyên của ông, cảm thấy năng lượng tốt hơn mỗi ngày.
Đơn giản, mặc dù có những khoản phí mà nhà xuất bản ebook phải trả, chẳng hạn như cho nhân viên số hóa, nhưng lại không tốn chi phí in, ấn, giấy v.v…
Tuy vậy, muốn đọc ebook, người đọc phải thêm thời gian nhìn vào màn hình. Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người trong chúng ta mất rất nhiều thời gian sử dụng màn hình. Nào là xem TV, đọc báo, xem facebook, làm việc trên máy tính hay xem tin nhắn điện thoại, chuyển tiền ebanking, bây giờ lại thêm đọc sách trên điện thoại, có vẻ như mọi thứ đều liên quan đến màn hình. Thống kê cho thấy người lớn dành hơn 11 giờ mỗi ngày để nhìn vào màn hình, nhiều hơn 9 tiếng rưỡi mỗi ngày so với 4 năm trước. Điều này khiến ebook bị lép vế khi so sánh với sách in nếu người ta chứng minh rằng “thị lực bị kém đi” nếu nhìn quá lâu vào màn hình, vì sự phản chiếu của nó.
Dù sao, thời nào sách đó, thời số hóa, thì phải dùng sách số hóa thôi. Nếu không bạn sẽ bị xếp vào những “người mù ebook”. Thật ra không có sách nào “nhanh” bằng sách điện tử. Nếu bạn muốn có sách in, bạn phải đặt hàng, đến thư viện, hoặc đến hiệu sách và phải tìm kiếm khá lâu. Ngược lại, nếu bạn muốn có một cuốn ebook, bạn có thể nhận được nó trong vài phút với vài cú nhấp chuột.
Điều này giúp mang lại sự tiện lợi mà tất cả chúng ta đều quen thuộc trong thời đại ngày nay. Chính sự tiện lợi này khiến cuộc cạnh tranh giữa các cửa hàng sách truyền thống với những người khổng lồ như Amazon ngày càng khốc liệt. Càng cạnh tranh càng có lợi cho người đọc.
Bây giờ tôi đi máy bay không còn phải lo lãng phí thời gian, vì có thể tận dụng đọc sách ebook qua iphone với “chế độ máy bay.” Tôi vừa đọc xong phiên bản ebook cuốn “Làm sao để ngăn đại dịch sắp tới” (How to prevent the next pandemic) của bác sĩ J. Hotez, chuyên gia bệnh truyền nhiễm nổi tiếng thế giới, chủ nhiệm chương trình “Vaccine ngoại giao” của Mỹ, khi bay từ Cam Ranh vào Sài Gòn chỉ hơn một tiếng đồng hồ bay (có cộng thêm một tiếng đọc trong khi ngồi chờ máy bay delay ở sân bay).
Tiện lợi này sẽ quen thuộc trong thời đại ngày nay. Nhưng dường như, sách ebook chưa mấy phổ cập tại Việt Nam. Các nhà xuất bản lớn của nhà nước vẫn loay hoay với công nghệ xuất bản sách điện tử. Ngoài ra hệ thống luật lệ xuất bản đã trở nên “người đứng bên lề” của cuộc chạy marathon sách vở và tri thức.
Đọc hay không đọc, đó mới là vấn đề
Dù sao, sách nào cũng là sách, miễn là có đọc hay không? Số sách đã bán được đọc là bao nhiêu phần trăm? Một thăm dò của Viện Pew (Hoa Kỳ) về tỷ lệ đọc tại Mỹ công bố ngày 7/1/2022 cho thấy: Vẫn còn 65% người Mỹ đọc sách in, trong khi đối với sách điện tử (ebook) hay các định dạng khác nhích hơn một chút là 75%. Điều đó có nghĩa người đọc vẫn lựa chọn nhiều hình thức sách khác nhau cùng lúc. Hiện nay, sách nói (audiobook) cũng đang được chào đón. Theo tôi biết các nhà xuất bản Trẻ và Tổng hợp tại TP.HCM đang hợp tác với các công ty sách khác để tăng các đầu sách nói trong danh mục. Tin vui với cá nhân tôi là mới đây tôi được “thưởng thức” phiên bản sách nói tiểu thuyết say mê một thời của tôi – “Bắt trẻ đồng xanh”. Khi còn học chứng chỉ văn chương và văn minh Mỹ tại Đại học Văn khoa Sài Gòn (1970), tôi mê nhiều tác giả Mỹ, nhưng lại chọn cuốn “Bắt trẻ đồng xanh” (Catcher in the rye) của J.D. Salinger để làm luận văn, đơn giản vì tiểu thuyết nói về tuổi trẻ. Tuy vậy, mới đây tôi được biết, tiểu thuyết này, mặc dù thuộc loại kinh điển của văn học Mỹ, vẫn không được số hóa cho đến năm 2019. Các tác phẩm của J.D. Salinger đã không được xuất bản dưới dạng sách điện tử cho đến năm 2019. Trước khi mất vào năm 2010, ông không cho phép minh họa trên bìa sách lấy mẫu các nhân vật trong sách của ông vì ngại rằng độc giả sẽ có thành kiến với các nhân vật khác. Ngoại trừ hai bản ghi âm “Bắt trẻ đồng xanh” của Thư viện Quốc gia dành cho Người mù và Người khuyết tật, không có tác phẩm chính nào của Salinger được cung cấp chính thức dưới dạng sách nói.
Mua sách, nhưng có thể không đọc. Giống như “Lược sử thời gian” của Stephen Hawking, “Tư bản trong thế kỷ XXI” dường như là một cuốn sách thời sự (và thời thượng-fashioned) mà nhiều người mua không đọc chúng. Một phân tích về những điểm nổi bật của Kindle cho thấy rằng người đọc thông thường chỉ đọc được khoảng 26 trong số hơn 700 trang của các cuốn sách này.
văn hóa đọc, không phải là mua sách, mà cuối cùng, là đọc-hiểu, lâu này trở thành một thứ văn hóa, mà đôi khi quá bất ngờ như văn hóa “chống phân biệt”, ngay trong cách lựa chọn yêu ghét các nhân vật hình tượng mà nhà văn Salinger cảnh báo.
Link gốc: https://suckhoecong.vn/van-hoa-doc-doc-hay-khong-doc-do-moi-la-van-de-d79924.html