Triệu chứng
Theo WHO, di chứng hậu COVID-19 có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ nào, kể cả những trẻ trước đó mắc COVID-19 mà không có triệu chứng. Các triệu chứng của tình trạng hậu COVID-19 có ngay từ ngày đầu tiên khi bắt đầu mắc COVID-19 rồi tồn tại kéo dài hoặc xuất hiện ở giai đoạn sau này.
Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), các biểu hiện thường thấy ở tình trạng hậu COVID-19 ở trẻ em bao gồm:
- Vấn đề về hô hấp như ho, đau ngực, khó thở. Các triệu chứng này có thể kéo dài 3 tháng hoặc lâu hơn.
- Vấn đề về tim mạch: Các triệu chứng của viêm cơ tim có thể xảy ra, bao gồm: Đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều và mệt mỏi.
- Ngoài ra còn có các vấn đề khác như: mùi và vị thay đổi, chán ăn, kém tập trung, mệt mỏi về tinh thần, thể chất, đau đầu, choáng váng, sức khỏe tâm thần và hành vi…
Đặc biệt nguy hiểm hơn là hội chứng viêm đa hệ cơ quan ở trẻ em (MIS-C). Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nặng, có nguy cơ dẫn đến tử vong, thường xảy ra từ 2 đến 6 tuần sau khi mắc COVID-19. Biểu hiện gồm: sốt dài hơn 3 ngày kèm theo tổn thương da niêm mạc (nổi ban, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ như quả dâu tây, phù nề bàn tay, bàn chân), rối loạn tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy, nôn), suy tim (mệt, xanh tái, môi nhợt, tay chân lạnh).
Theo các bác sĩ, ở trẻ em, tỷ lệ mắc hội chứng này chỉ khoảng 2/100.000, nhưng hậu quả rất nặng và là nguyên nhân chính gây tử vong sau mắc COVID-19. Hội chứng này gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể trẻ, như: đường tiêu hóa, hệ thống tim mạch, thận.
Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, với trẻ đã từng mắc COVID-19, các gia đình không được chủ quan, phụ huynh quan sát, theo dõi trẻ kỹ sau khi khỏi COVID-19. Dù theo WHO, thời gian theo dõi trước khi chẩn đoán mắc tình trạng hậu COVID-19 thường là 3 tháng sau khi trẻ mắc các triệu chứng đầu tiên. Những trẻ có triệu chứng kéo dài trên 2 tháng thì mới cần lo đến tình trạng hậu COVID-19 và đưa trẻ đi khám.
Chú trọng chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Nếu phát hiện con có các triệu chứng kéo dài trên 2 tháng hoặc ngắn hơn nhưng ảnh hưởng tới trẻ, những trẻ có bệnh lý nền, hoặc trước đó mắc COVID-19 mức độ trung bình trở lên thì có thể đi khám sớm hơn.
Sau khi trẻ âm tính khoảng 2-6 tuần, nếu có biểu hiện sốt cao trở lại, phát ban, phù nề, rối loạn tiêu hóa, mệt, da tái, nhịp tim nhanh gia đình cần cho trẻ đi khám để được chẩn đoán sớm và điều trị. Lúc này trẻ sẽ được đánh giá mức độ nặng, tìm nguyên nhân của các triệu chứng hiện tại, mức độ hồi phục của COVID-19, phát hiện các biến chứng, điều chỉnh việc điều trị bệnh lý nền nếu cần… để có hướng khắc phục sớm.
Đồng thời, chăm sóc trẻ hậu COVID-19, phụ huynh cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, tập luyện và tinh thần, nhất là đối với trẻ lớn, trẻ từng bị COVID-19 nặng phải nhập viện. Với chế độ dinh dưỡng, trẻ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các loại rau, trái cây, uống nhiều nước, bổ sung vitamin. Đồng thời cho trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc; tham gia các hoạt động thể dục thể thao như trước đây và hoạt động giải trí lành mạnh như xem phim, nghe nhạc, đọc sách…
Theo Báo Pháp luật