BS Hiromi Shinya cho rằng đường cát trắng do không còn vitamin B1 dẫn đến vấn đề thiếu vitamin B, gây ra mệt mỏi.
Trích: “Khi đường phân giải trong cơ thể chúng ta, chúng sẽ cần đến vitamin B1. Tuy nhiên trong đường cát trắng hầu như không có vitamin. Chính vì vậy khi cơ thể hấp thu thiếu vitamin B sẽ dễ dẫn đến vấn đề như bệnh thiếu vitamin, mệt mỏi, chóng mặt, thiếu máu, trầm cảm, nóng nảy, suy giảm trí nhớ.”
Đúng là vitamin B1 cần thiết cho việc chuyển hóa đường. Nó đóng vai trò như một coenzyme (hỗ trợ cho enzyme) chuyển hóa đường.
Đường trắng là đường tinh luyện không còn vitamin. Nhưng đường đỏ, đường thẻ chưa bao giờ được xem là nguồn cung cấp các vitamin hay khoáng. Đơn giản, vì hàm lượng vitamin B trong đường không có ý nghĩa dinh dưỡng do lượng tiêu thụ đường hằng ngày quá ít.
Vitamin B1 có nhiều trong đủ loại thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày như thịt heo, bò, cá, các loại loại đậu, bí đỏ, măng tây, ngũ cốc nguyên cám… Đường cần vitamin B1 để chuyển hóa. Đúng, nhưng vitamin B1 có rất nhiều trong thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày. Thế tại sao lại cáo buộc đường tinh vì không có vitamin B1, rồi gây ra mệt mỏi, chóng mặt? Sao lại đổ thừa dễ dàng thế, thưa BS Hiromi Shinya.
Trích trong cuốn sách “Một nửa sự thật – Nhận định về “Nhân tố enzyme” của BS Hiromi Shinya”