Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Đa phần bệnh không quá nghiêm trọng nhưng cũng có những trường hợp tình trạng của trẻ đột ngột tiến triển nặng và gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Cha mẹ không nên chủ quan mà cần áp dụng các biện pháp để phòng tránh bệnh cho con hiệu quả.
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là một bệnh lây do một nhóm virus đường ruột gây nên. Bệnh chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với nước miếng, phân, dịch bóng nước của trẻ bệnh, hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng sử dụng chung với trẻ bệnh. Nếu người lớn không rửa sạch tay khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ bệnh, có thể là trung gian truyền bệnh cho những trẻ khác.
Do đó nếu không biết cách phòng tránh bệnh tay chân miệng, bệnh rất dễ lây lan nhanh chóng và bùng phát thành dịch.
Bệnh được chia làm 4 giai đoạn khác nhau và mỗi giai đoạn lại có những triệu chứng khác nhau gồm:
– Giai đoạn ủ bệnh: Thường diễn ra trong khoảng từ 3-7 ngày sau khi virus xâm nhập vào cơ thể trẻ và các dấu hiệu thường chưa xuất hiện.
– Giai đoạn khởi phát: Diễn ra trong khoảng từ 1-2 ngày với một số triệu chứng như trẻ bị đau họng, biếng ăn, sốt nhẹ, thường xuyên quấy khóc, có biểu hiện mệt mỏi và có thể bị tiêu chảy…
– Giai đoạn toàn phát: Thường kéo dài từ 3-10 ngày. Một số biểu hiện bệnh ở giai đoạn này là: Trẻ bị loét miệng, đau miệng, xuất hiện những nốt phát ban, lòng bàn tay bàn chân, mông, bỏ ăn, sốt nhẹ (nếu trẻ sốt cao mà không được điều trị sớm sẽ dễ gây biến chứng).
– Giai đoạn lui bệnh: Đây là giai đoạn trẻ được hồi phục hoàn toàn và không xuất hiện biến chứng. Thời gian lui bệnh thường diễn ra từ 3-5 ngày sau.
Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ nhỏ
Để phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ, cha mẹ cần chú ý những điều sau:
Giữ vệ sinh cá nhân
Đây là phương pháp hiệu quả giúp phòng ngừa được bệnh tay chân miệng và nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác. Mẹ nên hướng dẫn trẻ vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Cha mẹ cũng cần rửa tay trước khi ăn, trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ, sau khi chăm sóc trẻ (thay tã, dọn vệ sinh cho trẻ), khi bàn tay bị vấy bẩn, đặc biệt là sau khi chăm sóc, tiếp xúc với trẻ bệnh. Không nên cho trẻ dùng chung đồ dùng cá nhân với người lớn chẳng hạn như khăn tắm, khăn mặt…
Giữ vệ sinh ăn uống
Khi nấu thức ăn cho trẻ, mẹ cần vệ sinh tay và dụng cụ nấu ăn sạch sẽ. Đảm bảo cho trẻ ăn chín uống sôi. Không nên cho trẻ mút tay hay bốc thức ăn, khử trùng thìa, bát trước khi cho trẻ ăn.
Thường xuyên vệ sinh không gian vui chơi và làm sạch đồ chơi của trẻ
Mẹ nên chú ý vệ sinh không gian vui chơi của trẻ, đặc biệt là những nơi mà trẻ hay tiếp xúc như mặt bàn, mặt ghế, sàn nhà. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên làm sạch đồ chơi của trẻ mỗi ngày. Không nên cho trẻ ngậm, mút đồ chơi.
Vệ sinh hàng ngày đồ chơi, vật dụng mà trẻ tiếp xúc, lau chùi sàn nhà, khu vực sinh hoạt của trẻ hàng ngày bằng nước và xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông dụng hoặc bằng dung dịch Chloramin B.
Đưa trẻ đi khám ngay ở các cơ sở y tế uy tín khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.
Link nguồn: https://suckhoecong.vn/cach-phong-tranh-benh-tay-chan-mieng-cho-tre-don-gian-va-hieu-qua-d80844.html