Ngoài những biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường thì có một số biến chứng đã được ghi nhận thêm ở những bệnh nhân tiểu đường đó là: ung thư, bệnh gan nhiễm mỡ, bệnh Alzheimer, hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn cương dương… Cùng xem cụ thể các biến chứng đó sẽ như thế nào trong bài viết dưới đây bạn nhé!
Bệnh Alzheimer
ALZHEIMER là bệnh thoái hóa thần kinh mạn tính, tiến triển, gây mất trí nhớ, biến đổi tính cách và những vấn đề về nhận thức. Đây là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ sáu ở Mỹ. Alzheimer có thể là biểu hiện của việc mất khả năng sử dụng glucose như thông thường, đây có thể là một dạng kháng insulin chọn lọc trong não bộ. Mối liên kết giữa bệnh Alzheimer và tiểu đường trở nên mạnh mẽ tới mức nhiều nhà nghiên cứu đã đề xuất rằng Alzheimer có thể được gọi là tiểu đường type 3.
Ung thư
TIỂU ĐƯỜNG TYPE 2 làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư thường gặp, bao gồm ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư thận và ung thư nội mạc tử cung. Điều này có thể liên quan đến một vài loại thuốc được dùng để điều trị tiểu đường. Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư vốn đã mắc tiểu đường sẽ thấp hơn nhiều so với các bệnh nhân không mắc.
Bệnh gan nhiễm mỡ
BỆNH GAN nhiễm mỡ không do rượu bia (Non-alcoholic fatty liver – NAFLD) được định nghĩa là sự lưu trữ và tích lũy mỡ thừa dưới dạng các triglyceride vượt quá 5% tổng trọng lượng của gan. Căn bệnh này có thể được phát hiện bằng cách sử dụng siêu âm để kiểm tra vùng bụng. Khi lượng mỡ thừa gây tổn thương mô gan, có thể được phát hiện qua xét nghiệm máu thông thường, nó được gọi là viêm gan nhiễm mỡ không do rượu bia (non-alcoholic steatohepatitis – NASH). Hiện tại, ước tính rằng NAFLD ảnh hưởng đến khoảng 30% dân số Mỹ còn NASH ảnh hưởng đến 5%; cả hai đều là những nguyên nhân quan trọng gây xơ gan (mô sẹo không thể phục hồi ở gan). NAFLD hầu như không tồn tại ở các ca khởi phát tiểu đường type 1 gần đây. Trái lại, tỷ lệ mắc bệnh này ở tiểu đường type 2 là hơn 75%.
Nhiễm trùng
BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG có nguy cơ cao hơn trong việc mắc tất cả các loại bệnh nhiễm trùng được gây ra khi các sinh vật bên ngoài xâm nhập và sinh sôi bên trong cơ thể. Họ không chỉ dễ nhiễm nhiều loại vi khuẩn và nấm hơn những người không bị tiểu đường mà tác động của việc nhiễm cũng trầm trọng hơn. Ví dụ, bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ nhiễm trùng thận cao hơn bốn đến năm lần. Mọi loại bệnh nhiễm nấm, bao gồm bệnh nấm Candida, nấm âm đạo, nấm móng tay và nấm da chân, đều dễ gặp hơn ở bệnh nhân tiểu đường.
Trong số các loại nhiễm trùng nghiêm trọng nhất đối với bệnh nhân tiểu đường, tồn tại cả các dạng nhiễm trùng liên quan đến bàn chân. Mặc dù đã kiểm soát tốt mức đường huyết, 15% tổng số bệnh nhân tiểu đường sẽ có những vết thương ở bàn chân không thể lành trong suốt cuộc đời. Tình trạng nhiễm trùng ở những vết thương này thường liên quan đến nhiều loại vi sinh vật, khiến việc điều trị bằng kháng sinh phổ rộng là cần thiết.
Tuy nhiên, sự suy giảm tuần hoàn máu liên quan đến PVD góp phần làm vết thương khó lành. Do đó, bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ phải cắt cụt chi dưới tăng gấp 15 lần, chiếm hơn 50% các ca cắt cụt chi được thực hiện ở Mỹ, không tính đến các vụ tai nạn. Người ta ước tính rằng mỗi ca nhiễm trùng gây loét chân do tiểu đường có chi phí điều trị lên tới hơn 25.000 đô la.
Có nhiều nhân tố góp phần khiến tỷ lệ nhiễm trùng cao hơn. Mức đường huyết cao có thể làm suy yếu hệ miễn dịch. Tương tự, việc tuần hoàn máu kém làm giảm khả năng các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng tiếp cận mọi bộ phận của cơ thể.
Các bệnh về da và móng tay
NHIỀU BỆNH về da và móng tay có liên quan đến tiểu đường. Nhìn chung, vấn đề nằm ở mặt thẩm mỹ nhiều hơn là về mặt y tế; tuy nhiên, chúng thường là biểu hiện của căn bệnh tiểu đường tiềm ẩn, nghiêm trọng và cần được chăm sóc về mặt y tế. Bệnh gai đen là tình trạng da dày lên, sờ như nhung và có màu xám-đen, thường xuất hiện ở vùng da quanh cổ và các nếp gấp trên cơ thể, gây ra bởi mức insulin cao. Bệnh da do tiểu đường, còn gọi là đốm cẳng chân, thường xuất hiện ở chân dưới dạng các vảy mịn tối màu. Mụn thịt là những vùng da mềm lồi ra thường xuất hiện ở mí mắt, cổ và nách. Hơn 25% các bệnh nhân có mụn thịt mắc tiểu đường. Các bệnh nhân tiểu đường cũng thường có vấn đề ở móng tay, nhất là nhiễm nấm. Móng tay có thể có màu nâu ngả vàng, dày lên và tách khỏi giường móng (bệnh bong tróc móng).
Rối loạn cương dương
CÁC NGHIÊN CỨU quần thể trên cộng đồng về nam giới tuổi từ 39-70 đã phát hiện ra rằng tỷ lệ bất lực nằm trong khoảng 10-50%. Tiểu đường là một yếu tố nguy cơ chủ chốt, làm tăng khả năng rối loạn cương dương gấp ba lần và ảnh hưởng đến các bệnh nhân ở độ tuổi thấp hơn bình thường. Tuần hoàn máu kém ở các bệnh nhân tiểu đường dường như là nguyên nhân. Nguy cơ rối loạn cương dương cũng tăng theo độ tuổi và mức độ trầm trọng của sự kháng insulin, khoảng 50-60% đàn ông trên 50 tuổi bị tiểu đường gặp phải vấn đề này.
Hội chứng buồng trứng đa nang
SỰ MẤT CÂN BẰNG hormone có thể khiến cho một số phụ nữ phát triển các u nang (các khối u lành tính) trên buồng trứng.
Bệnh này gọi là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), có đặc điểm là kinh nguyệt bất thường, có dấu hiệu thừa testosterone và sự hiện diện của các u nang (thường được phát hiện bởi siêu âm). Bệnh nhân PCOS có chung nhiều đặc điểm với bệnh nhân tiểu đường type 2, bao gồm béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao và kháng insulin. PCOS được gây ra bởi sự gia tăng kháng insulin26 và nó làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2 lên gấp ba đến năm lần ở phụ nữ trẻ.
Theo cuốn sách Mật mã tiểu đường của bác sĩ Jason Fung