Đối với bất kỳ cặp vợ chồng nào đang cố gắng thụ thai, chất lượng tinh trùng là rất quan trọng. Nó còn quan trọng hơn khi đối tác nữ có chất lượng trứng kém hoặc rất ít trứng để lấy trong một chu trình IVF, cho dù là vì vô sinh do tuổi tác hay một số nguyên nhân khác.
Trong những tình huống này, người phụ nữ không thể lãng phí một trong số ít những tế bào trứng chất lượng của mình cho những tinh trùng chưa tối ưu. Đối tác nam cần đảm bảo rằng chất lượng tinh trùng của mình phải tốt nhất có thể để thụ thai. Nghiên cứu mới cũng tiết lộ rằng chất lượng tinh trùng có thể là nguyên nhân chính gây ra sảy thai liên tiếp. Vì vậy, nam giới cần làm mọi thứ có thể để tăng chất lượng tinh trùng của mình trong những tháng trước khi thụ thai.
May mắn thay, có một số cách để cải thiện chất lượng tinh trùng – sử dụng các chế phẩm bổ sung và các chiến lược khác được hỗ trợ bởi các công trình nghiên cứu trong nhiều năm. Nhưng trước hết, chúng ta cần xóa bỏ một số lầm tưởng thường gặp xoay quanh khả năng sinh sản của nam giới.
Lầm tưởng thứ nhất: Khó thụ thai thường do phía nữ
Trái với suy nghĩ thông thường, vô sinh nam chiếm gần 50% tổng sai lầm rằng vô sinh nữ phổ biến hơn có thể là do việc điều trị tại phòng khám hỗ trợ sinh sản thường đòi hỏi nhiều thủ thuật, thuốc men và tiêm đối với phụ nữ chứ không phải đối với nam giới.
Mặc dù người nữ gần như luôn là trọng tâm chính của các phương pháp hỗ trợ sinh sản như IUI và IVF, trong nhiều trường hợp, những phương pháp này chỉ cần thiết để tránh các vấn đề về chất lượng tinh trùng. Tuy nhiên, ngay cả với những phương pháp hỗ trợ sinh sản tiên tiến này, chất lượng tinh trùng thấp vẫn có thể là một yếu tố gây cản trở và có thể làm tăng nguy cơ sảy thai.
Rốt cuộc, cho dù hai vợ chồng đang cố gắng thụ thai tự nhiên hay thông qua IVF, thì vế nam giới của phương trình thụ thai là cực kỳ quan trọng nhưng hiếm khi nhận được sự quan tâm.
Một phần của vấn đề là xét nghiệm tinh dịch đồ thường được thực hiện tại các phòng khám hỗ trợ sinh sản là không đủ. Một tinh dịch đồ thông thường sẽ đối chiếu với ba thước đo tiêu chuẩn (được gọi chung là “thông số tinh dịch đồ”):
- Số lượng/Mật độ tinh trùng: Số lượng tinh trùng trên một đơn vị thể tích tinh dịch;
- Độ di động: Khả năng tinh trùng bơi đúng hướng đến trứng;
- Hình dạng: Phần trăm tinh trùng có hình dạng tổng thể bình thường.
Mặc dù một vấn đề ở bất kỳ thông số nào trên đây chắc chắn sẽ gây khó khăn hơn cho việc thụ thai, nhưng phân tích tinh dịch thông thường này không cho biết toàn bộ vấn đề. Kết quả xét nghiệm có thể hoàn toàn bình thường, mặc dù chất lượng tinh trùng kém vẫn là một rào cản cho việc thụ thai. Điều này là do các biện pháp thông thường không xét nghiệm đầy đủ mức độ tổn thương ADN bên trong tinh trùng.
Nghiên cứu mới nhất cho thấy chất lượng ADN quan trọng hơn các thông số tinh dịch đồ thông thường. Thuật ngữ “chất lượng ADN” phản ánh liệu ADN có các đột biến riêng lẻ, các bản sao thừa hoặc thiếu của nhiễm sắc thể, hoặc các đứt gãy vật lý trong các sợi ADN. Loại tổn thương cuối cùng này dẫn đến sự phân mảnh của nhiễm sắc thể và thật ra có thể đo lường được bằng cách sử dụng phân tích chất lượng tinh trùng nâng cao (sẽ được thảo luận thêm bên dưới).
Mỗi loại tổn thương ADN đều gây ra những vấn đề riêng: giảm cơ hội thụ thai, giảm khả năng phôi làm tổ thành công để mang thai và tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng hoặc mắc một bệnh di truyền do đột biến tự phát mới.
Nhiều bằng chứng cho thấy tổn thương ADN tinh trùng cũng làm tăng nguy cơ sảy thai. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra mức độ tổn thương ADN cao hơn nhiều trong tinh trùng của các cặp vợ chồng có tiền sử sảy thai không rõ nguyên nhân, cho thấy tổn thương ADN này có thể là một yếu tố góp phần gây ra tình trạng mất thai.489 Trong năm 2019, một nghiên cứu báo cáo rằng ở những cặp đôi có tiền sử sảy thai liên tiếp, mức độ tổn thương ADN tinh trùng trung bình cao hơn gấp hai lần. Một nghiên cứu năm 2017 cũng cho thấy mức độ tổn thương ADN tinh trùng có tác động lớn đến cơ hội thụ thai thông qua IVF.
Nói tóm lại, mức độ tổn thương ADN tinh trùng là một yếu tố quan trọng đối với bất kỳ cặp vợ chồng nào đang cố gắng thụ thai, nhưng nó đặc biệt quan trọng đối với những cặp vợ chồng có tiền sử sảy thai hoặc chu trình IVF thất bại. Trong những trường hợp này, việc thực hiện xét nghiệm phân mảnh ADN cũng có thể giúp ích. Một trong những xét nghiệm mức độ tổn thương ADN chính xác nhất được gọi là Xét nghiệm đánh giá cấu trúc nhiễm sắc chất tinh trùng (SCSA), có sẵn thông qua chẩn đoán SCSA. Chi phí khoảng 500 đô-la nhưng bạn có thể dùng bảo hiểm để chi trả và xét nghiệm này có thể giúp bạn tránh những tổn phí cho một chu trình IVF thất bại.
Lầm tưởng thứ hai: Khả năng sinh sản của nam giới không suy giảm cho đến sau tuổi 50
Thực tế là nam giới 45 tuổi có khả năng sinh sản kém hơn đáng kể so với nam giới trẻ hơn 10 tuổi, vì chất lượng tinh trùng bắt đầu suy giảm ngay từ tuổi 35. Nguyên nhân cho sự suy giảm này phần lớn là do tinh trùng của nam giới lớn tuổi có nhiều đứt gãy ADN, đột biến ADN và các bất thường nhiễm sắc thể khác.Trên thực tế, sự phân mảnh ADN tinh trùng tăng gấp đôi từ độ tuổi 30 đến 45.
Sự suy giảm khả năng sinh sản của nam giới do tuổi tác thường bị bỏ qua. Nhiều người lầm tưởng rằng người mẹ lớn tuổi dễ bị sảy thai hoặc sinh con bị dị tật bẩm sinh như hội chứng Down, còn tuổi của người bố không ảnh hưởng đến những kết quả này. Nghiên cứu cho thấy những ông bố trên 40 tuổi có nguy cơ có con bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cao hơn 20%.495 Mức độ tổn thương ADN cao hơn trong tinh trùng cũng làm tăng gấp đôi nguy cơ sảy thai.
Không chỉ ADN bên trong tinh trùng bị ảnh hưởng theo tuổi tác. Khả năng di chuyển của tinh trùng bắt đầu giảm ở tuổi 35 và tuổi tác cũng ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng và hình dạng tinh trùng.
Nhưng không hoàn toàn chỉ có tin xấu. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một số sự suy giảm này có thể được ngăn chặn và đảo ngược. Một số nghiên cứu cho thấy nam giới lớn tuổi tuân theo một chế độ ăn lành mạnh và dùng các chế phẩm bổ sung phù hợp có chất lượng tinh trùng tương tự như nam giới trẻ tuổi.
Điều này đưa chúng ta đến lầm tưởng lớn nhất.
Lầm tưởng thứ ba: Không thể làm gì để cải thiện chất lượng tinh trùng
Nhiều thập kỷ nghiên cứu khoa học đã phủ nhận niềm tin này của nhiều người và cho thấy chất lượng tinh trùng và thậm chí chất lượng ADN tinh trùng có thể được cải thiện. Việc cải thiện những điều đó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích: tăng cơ hội thụ thai (dù là tự nhiên hay kết hợp với các biện pháp hỗ trợ sinh sản như IVF), giảm nguy cơ sảy thai và dị tật bẩm sinh.
Để hiểu những gì bạn có thể làm để cải thiện chất lượng tinh trùng, trước tiên cần hiểu tinh trùng bị tổn thương bằng cách nào.
Chu kỳ sản xuất mỗi tinh trùng mất hơn hai tháng một chút. Trong thời gian này, nhiều yếu tố môi trường và lối sống khác nhau có thể tác động đến quá trình, theo chiều hướng tốt hơn hoặc xấu hơn. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng trong giai đoạn này là sự oxy hóa.
Oxy hóa là một phản ứng hóa học trong cơ thể tương tự như kim loại bị gỉ hoặc táo chuyển sang màu nâu. Khi tinh trùng được sản xuất, các quá trình sinh học tạo ra mức độ oxy hóa bình thường và khỏe mạnh, trong khi một đội quân phòng vệ ngăn chặn quá trình oxy hóa này vượt quá tầm kiểm soát. Hệ thống phòng vệ bao gồm các chất chống oxy hóa như vitamin C và E (tinh dịch chứa nồng độ vitamin C cực kỳ cao), cùng với các loại enzyme đặc biệt tồn tại chỉ để bảo vệ tinh trùng khỏi tác hại của quá trình oxy hóa.
Khi các yếu tố lối sống như tiếp xúc với độc tố hoặc thiếu hụt vitamin khiến quá trình oxy hóa xảy ra quá nhiều hoặc làm tổn hại hệ thống bảo vệ chống oxy hóa, kết quả là tổn thương oxy hóa. Tổn thương này được cho là yếu tố góp phần gây ra tới 80% tổng số trường hợp vô sinh ở nam giới.
Sự oxy hóa ảnh hưởng đến các thông số tinh dịch đồ thông thường (số lượng, độ di dộng và hình dạng của tinh trùng) cũng như mức độ tổn thương ADN của tinh trùng. Nghiên cứu tại trung tâm y tế Cleveland Clinic đã xác nhận rằng nam giới có mức độ oxy hóa cao trong tinh dịch có nhiều phân mảnh ADN lớn hơn và ít tinh trùng hoạt động bình thường hơn.
Các vấn đề về sức khỏe như nhiễm trùng, tắc nghẽn và giãn tĩnh mạch (giãn tĩnh mạch thừng tinh) chiếm khoảng 1/4 các trường hợp vô sinh nam. Nếu bạn đang mắc một trong những bệnh này, bạn có thể cần dùng thuốc hoặc làm tiểu phẫu để cải thiện chất lượng tinh trùng của mình. Tuy nhiên, bạn không nên ỷ lại thuốc và tiểu phẫu thông thường mà bớt chú ý đến lối sống và các yếu tố dinh dưỡng để có thể cải thiện chất lượng tinh trùng.
Thực tế là các phương pháp tiếp cận tự nhiên để cải thiện chất lượng tinh trùng có thể còn quan trọng hơn đối với nam giới mắc các bệnh về tiết niệu, vì nhiều bệnh góp phần gây vô sinh bằng cách khiến tổn thương oxy hóa trong tinh trùng gia tăng.
Cải thiện chất lượng tinh trùng cũng có thể đặc biệt quan trọng khi đối tác nữ có chất lượng trứng kém. Không giống như tinh trùng, trứng có cơ quan chuyên biệt có thể sửa chữa tổn thương ADN, cho phép trứng khắc phục một số tác động tiêu cực của tinh trùng bị hư hỏng.
Tuy nhiên, quá trình sửa chữa ADN chỉ hoạt động hiệu quả ở những trứng chất lượng tốt. Trứng của một phụ nữ lớn tuổi có thể không có khả năng sửa chữa đầy đủ các tổn thương ADN do tinh trùng kém chất lượng, khiến việc thụ thai càng khó khăn hơn.
Tin tốt là đối với hầu hết nam giới, chất lượng tinh trùng ít nhất một phần nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Thông qua việc bổ sung vitamin và thực hiện các bước đơn giản khác để chống lại tổn thương oxy hóa, bạn có thể bảo vệ khả năng sinh sản của mình.