Trong tháng 7, châu Âu hứng chịu một đợt nắng nóng cực đoan, được các nhà khí tượng đánh giá là “ngày tận thế”. Theo tờ The Guardian, kỷ lục nhiệt độ tại Anh bị phá vỡ khi mức nhiệt lần đầu tiên tăng vọt trên 40 độ C vào ngày 19/7. Kỷ lục trước đó của xứ sở sương mùa là 38,7 độ C, được ghi nhận vào tháng 7/2019. Cơ quan Khí tượng Anh lần đầu tiên phải ban bố “cảnh báo đỏ”, khuyến cáo người dân ở trong nhà tránh nắng.
Đợt sóng nhiệt năm 1976 là một trong những mùa Hè nắng nóng bất thường nhất ở Anh. 15 ngày liên tiếp, nhiệt độ vượt ngưỡng 32 độ C – nghĩa là rất nóng với quốc gia vốn duy trì 20 độ C giữa mùa Hè. Đỉnh điểm của đợt sóng nhiệt đó, nhiệt độ chạm 35,9 độ C vào ngày 3/7. Nhưng khi so sánh với tháng 7/2022, tình trạng tồi tệ hơn nhiều lần.
Khắp châu Âu và Bắc Mỹ, người dân “lao đao” vì các đợt sóng nhiệt (heat wave). Nhiều khu vực ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp và Italia cũng đã duy trì trên 40 độ nhiều ngày. Đây là hiện tượng thời tiết xảy ra khi nhiệt độ cao bất thường kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần, ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn. Kết hợp với không khí khô, hỏa hoạn và cháy rừng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân châu Âu.
Mỗi địa phương sẽ có khả năng thích nghi, ngưỡng chịu đựng nhiệt độ cao khác nhau. Nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng nặng nề nhất đến các quốc gia khu vực vĩ độ Bắc, nơi mà người dân vốn quen với khí hậu ôn đới. Sóng nhiệt có thể dẫn đến nóng đột ngột, mất nước và là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các trường hợp tử vong liên quan đến thời tiết. Năm 2003, đợt sóng nhiệt dài ngày đã làm 70.000 người trên toàn châu Âu thiệt mạng, riêng nước Anh có hơn 2.000 người. Tại Mỹ, trong thực tế, sóng nhiệt khiến nhiều người chết hơn các thiên tai như bão, lốc xoáy, động đất…
Thời tiết nắng nóng là một trở ngại lớn đối với sức khỏe con người, đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh tim mạch. Khi nắng nóng, huyết áp thường tăng, nhịp tim tăng, tim phải gắng sức, sẽ tăng nhu cầu tiêu thụ oxy của tế bào cơ tim nên dễ dẫn đến gây cơn đau thắt ngực, khó thở, nặng hơn là nhồi máu cơ tim và tử vong.
Khi bị sốc nhiệt, protein sẽ bắt đầu thoái hóa khi nhiệt độ cơ thể vượt 40 độ C. Các enzyme trong cơ thể trở nên trì trệ, tế bào không thể sản sinh năng lượng ở nhiệt độ này, dẫn tới suy đa tạng, sốc và tử vong.
Đại dịch COVID-19 làm hoạt động trên toàn cầu ngưng trệ trong một thời gian ngắn, đem lại một số tín hiệu tích cực với môi trường. Những con cá heo hồng quý hiếm đã quay trở lại vùng biển giữa Hồng Kông và Ma Cao, khi COVID-19 làm gián đoạn tuyến đường biển đông đúc này. Chất lượng không khí cũng có xu hướng được cải thiện hơn. Người dân giảm bớt di chuyển không cần thiết, góp phần vào sự sụt giảm đáng kể khí carbon dioxide, methane gây ra hiệu ứng nhà kính.
Nhưng có vẻ như các tín hiện đó chỉ mang tính tạm thời. Các đợt sóng nhiệt bất thường diễn ra ở nhiều khu vực. Tháng 5/2022, nhiều quốc gia Nam Á hứng chịu các đợt sóng nhiệt bất thường, chạm ngưỡng 50 độ C. Ấn Độ phá kỷ lục nắng nóng trong 122 năm qua.
Thời tiết bất thường không chỉ ảnh hưởng đến con người, vật nuôi, cây trồng mà còn khiến một số bệnh dịch bùng phát, lây lan đến những khu vực vốn không phải “địa bàn” của chúng.
Rất nhiều bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật. Vật trung gian truyền bệnh, hay vector, là sinh vật truyền mầm bệnh (ký sinh trùng, virus) từ động vật sang người, hoặc sang động vật khác. Các ví dụ điển hình là bệnh dịch hạch (vector là động vật gặm nhấm, chuột), sốt xuất huyết (vector là muỗi vằn), sốt rét (vector là muỗi Anopheles). Các bệnh lây nhiễm qua vector đều chịu ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu ở 3 khía cạnh:
Trong năm 2022, một số dịch bệnh nguy hiểm như đậu mùa khỉ đã quay trở lại và tấn công cả những khu vực mà chúng chưa từng lưu hành. Mới đây, WHO phát hiện 2 ca tử vong do virus Marburg (virus có nguồn gốc từ dơi ăn quả, gây triệu chứng giống bệnh sốt xuất huyết) ở Ghana. Theo dự đoán của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu 2022, sốt xuất huyết sẽ tăng cao, với mùa dịch kéo dài, phân bổ rộng hơn khắp châu Á, châu Âu, châu Phi, khiến hàng tỷ người có nguy cơ mắc bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh khi tỷ lệ bao phủ vaccine toàn cầu tiếp tục giảm vào năm 2021. Dữ liệu mới cho thấy, 25 triệu trẻ sơ sinh bỏ lỡ những liều vaccine đầu đời, giúp bảo vệ mạng sống. Nguyên nhân là các cuộc xung đột, tình trạng phong tỏa vì đại dịch, ngành y tế tập trung nguồn lực cho chương trình tiêm vaccine COVID-19.
Đây là lần sụt giảm tiêm chủng định kỳ lớn nhất trong vòng 30 năm. Tỷ lệ bao phủ không đầy đủ đã dẫn đến các đợt bùng phát bệnh sởi và bại liệt – 2 căn bệnh đã có vaccine – trong 12 tháng qua. Bên cạnh đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng tăng nhanh tạo điều kiện phát triển cho các loại bệnh tật nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ nhỏ.
Link nguồn: https://suckhoecong.vn/nhung-van-de-ve-suc-khoe-xay-ra-do-nang-nong-va-bien-doi-khi-hau-d81437.html