LTS: Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư đã được bác sỹ Phạm Nguyên Quý – Người sáng lập Tổ chức Y học cộng đồng, chia sẻ trên trang cá nhân sau khi Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo mãi mãi ra đi. “Tai nạn, bệnh tật có thể kết thúc cuộc sống nhưng di sản và mối quan hệ sẽ vẫn còn đó. Quan hệ tốt đẹp hay sự yêu thương mà con người dành cho nhau chính là tài sản đẹp đẽ và quý giá nhất có thể trường tồn theo năm tháng.
Bác sỹ Quý viết, “Sau một đêm trực dài, tôi có 1 tiếng lặng yên xem kênh thời sự điểm lại cuộc đời và di sản của cố Thủ tướng Abe Shinzo. Tiếc rằng ý nghĩa của những việc ông đã làm lại được nhớ tới nhiều hơn khi ông không còn nữa. Ngài Abe sẽ vẫn sống mãi trên môi những người ở lại.”
Nhân chuyện này, tôi lại nhớ tới những bệnh nhân ung thư của mình và những lần chia sẻ về chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh. Điều trị bệnh nhân ung thư thường bao gồm cả việc chăm sóc tinh thần cho cả gia đình họ. Đặc thù của hóa trị với các phác đồ lặp lại sau 2-4 tuần đã giúp tôi gặp lại bệnh nhân và người thân nhiều lần trong năm. Những “hẹn hò” trong gian khó đó đã làm những người xa lạ dần trở nên thân thiết và đồng hành như chiến hữu.
Nhiều khi mối quan hệ này kéo dài trong nhiều năm, giúp tôi có dịp chia sẻ niềm vui và kỷ niệm cùng cả gia đình người bệnh. Tôi đã thấy bệnh nhân ung thư vú nhảy trong lễ hội văn hóa thường niên tại địa phương và tham dự đám cưới con gái của họ. Tôi cũng đã gặp những đứa cháu đầu tiên của bệnh nhân ung thư đại tràng, thấy chúng lớn lên trong khi ông/bà chúng ngày càng suy yếu. Đối với tôi, thật khó khăn khi chia tay những bệnh nhân như vậy, vì tôi không chỉ mất đi cộng sự mà còn mất đi mối quan hệ đặc biệt với cả gia đình họ.
Khi đó, những mối liên kết này thường bị ngắt quãng đột ngột, vì đâu có ai muốn tới lui bệnh viện, nơi có quá đủ lo lắng và đau thương. Tuy nhiên, cũng có một số người nhà bệnh nhân đã quay lại tâm sự với tôi về sự mất mát, nhờ đó tôi hiểu hơn cảm xúc và những vấn đề mới của họ.
Và tôi vẫn không thể quên câu chuyện mà một chị kể về những đau khổ khi chia tay người thân, không chỉ một lần mà là tới 3 lần.
Ba lần chia tay
Lần đầu tiên, đó là sự chia tay về mặt y học. Đó là khi bác sỹ vào phòng thăm khám, tuyên bố rằng tim đã ngừng đập và người bệnh đã không còn thở. Chị đã vỡ òa dù tiên lượng xấu đã được báo trước và đã phần nào chuẩn bị tinh thần. Chị nói rằng nhìn lại thì trải nghiệm này không quá tồi vì có bác sỹ, y tá cầm tay an ủi chị ngay sau đó.
Tiếp đó là sự chia tay về mặt vật lý. Ở Nhật Bản, người ta thường hỏa táng, trong khi nhiều nơi tại Việt Nam vẫn giữ tập tục địa táng. Dù ở hình thức nào, chúng ta cũng sẽ đau buồn vì không còn nhìn thấy thân xác của người mình yêu thương. Những cảm giác đau buồn này thường được nói và biết tới nhiều nhất, vì dễ được chia sẻ, hình dung và cũng hay xuất hiện trong phim ảnh. Tuy nhiên, có một sự chia tay nữa, xin gọi là chia tay lần 3, thường ít được nói tới. So với chia tay lần 1 thường xảy ra trong vài phút và lần 2 thường trong vài ngày, quá trình chia tay lần 3 này thường âm ỉ và dai dẳng hơn, có thể kéo dài hằng tuần, thậm chí hàng năm sau đó. Đó là sự chia tay về mặt xã hội.
Ở Nhật, khi người bệnh qua đời, người nhà thường mất khoảng 1 tuần để đi làm khá nhiều thủ tục hành chính, từ việc báo tử ở Phường-Quận cho tới việc ngừng hợp đồng điện thoại, đóng tài khoản ngân hàng hay hủy giấy phép lái xe,… của người vừa mất. Chị gái đầu bài nói rằng đây là thời gian khó khăn vì toàn phải đi một mình mà mỗi lần đi làm thủ tục là một lần con tim thêm đau nhói. Người ở quầy lễ tân khi nào cũng lặp lại câu hỏi “Xin cho biết lý do dừng hợp đồng/giấy phép?” để chị ấy phải lí nhí “Mẹ tôi vừa mất”. Câu hỏi vô tư và câu trả lời ngắn “kiểu thủ tục” thôi nhưng lại làm người ta đau lòng vì cứ nhắc lại rằng mình đã không còn mẹ. Bởi thế, nhiều người nói rằng người ra đi không khổ bằng người ở lại. Cảm giác đau thương, mất mát này còn ở lại khá lâu vì còn nhiều sự kiện “không-hành-chính” khác gợi nhớ về người đã khuất. Đó có thể là một bức ảnh vô tình rơi ra khi dọn phòng, hoặc một kỷ vật bắt gặp vài năm sau đó. Một số người thân có thể bị day dứt bởi chứng trầm cảm, mất ngủ,… cần các bác sỹ hỗ trợ thêm về mặt tinh thần.
Nhưng tôi không khỏi bất ngờ khi chị nói nửa đùa nửa thật rằng “Đồ vật quan trọng của người này có thể gây phiền phức cho người khác”. Chị đã không giấu giếm nói rằng việc dọn dẹp phòng của mẹ chị đã thực sự khó khăn vì quá nhiều thứ… không biết cất vào đâu, hay không rõ… có bỏ đi được không.
“Cái chết đẹp” và cái chết đầy bản lĩnh
Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi đã dành thêm ít thời gian để nói về “Cái chết đẹp”, khi chúng ta chủ động dàn xếp được cuộc đời để ra đi gọn gàng, ít gây phiền cho người khác. Đã có những người ra đi không bám víu và “đẹp như phim”.
Chị kể có người bạn khi dọn dẹp tủ quần áo của bố đã tình cờ tìm thấy tờ 5.000 yên (tầm 1 triệu DVN) mới toanh trong phong bì với dòng nhắn “Cảm ơn con đã dọn dẹp cho Bố nhé!”. Vài chữ nguệch ngoạc xiên xẹo nhưng lại có thể làm người ta… tan chảy. Cảm giác nặng nề, trống trải vì người thân qua đời có thể được chuyển hóa thành cảm xúc yêu thương tích cực hơn nhờ những hành động nhỏ “đến từ tương lai”, thể hiện sự chủ động và thấu đáo của chính người bệnh. Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân không có đủ điều kiện để dàn xếp sự ra đi của mình tinh tươm và… nên thơ như vậy.
Hiện nay, số ca tử vong do đột quỵ/tai biến mạch máu não tại Việt Nam là hơn 100.000 ca một năm. Số ca tai nạn giao thông bất ngờ dẫn tới tử vong cũng khá cao, với hơn 3.200 người chết trong 6 tháng đầu năm 2020; nhiều người đã ra đi đột ngột để lại hàng loạt vấn đề ngổn ngang cho gia đình. Khác với những hoàn cảnh trên, bệnh lú lẫn Alzheimer, suy tim mạn, suy gan mạn, suy thận mạn, COPD, viêm phổi do hít sặc, ung thư… lại là những tình huống mà bệnh nhân có thời gian để đối thoại và từ từ thu xếp cuộc đời mình.
Tại Nhật Bản, số người già đã chiếm 25% dân số, và có những người vì tai biến mạch máu não liệt giường cứ phải nhập viện 2-3 tháng một lần vì viêm phổi do hít sặc, do không còn đủ sức nuốt. Thay vì dùng kháng sinh điều trị rồi xuất viện ra về để tiếp tục… hít sặc và lặp lại vòng đau khổ của nhập viện, các bác sỹ có thể nói chuyện về ý nghĩa của cuộc sống, để bệnh nhân và người thân hiểu và lựa chọn xem có nên tiếp tục cuộc sống như vậy hay không.
Đương nhiên, cần nhấn mạnh rằng không phải mắc bệnh nào nói trên cũng sẽ chết ngay và mỗi người sẽ có chọn lựa riêng cho mình. Ngay cả ung thư thì số ca được phát hiện và điều trị sớm để chữa lành hẳn đã tăng lên trong những năm gần đây; tức ung thư không còn đồng nghĩa với cái chết. Tuy nhiên, cần hiểu rằng sinh vật nào rồi cũng phải chết và người ta sinh ra là tiến dần đến cái chết vì nhiều lý do. Con người có thể vô tình hay cố ý tránh nói về cái chết, nhưng tất cả đều phải suy nghĩ và chấp nhận điều này để chuẩn bị cho mình.
Ở một số nước, khi tiên lượng sống của người bệnh còn dưới 6-12 tháng, nhiều bác sỹ, bệnh nhân và người thân thường bắt đầu nói chuyện với nhau về việc chuẩn bị cho sự ra đi. Động thái này là thiết thực để cùng nhau nhìn thực tại đúng đắn hơn và có “chương trình hành động” phù hợp với nhân sinh quan của người bệnh.
Việc nêu bật nguyện vọng về y tế – xã hội của người bệnh cũng giúp y bác sỹ và người thân thoải mái hơn vì sẽ có thể triển khai chăm sóc – hỗ trợ đúng theo nguyện vọng của chính người bệnh và điều này cũng thường giúp y tế được nhân văn hơn. Trái với lo lắng rằng nói về cái chết sẽ gây sốc, nhiều bệnh nhân đã nói rằng họ như “vượt qua sợ hãi về cái chết” nhờ cuộc nói chuyện khéo léo và cụ thể về những gì sẽ có thể xảy ra với mình. Những người hoàn toàn không còn sợ chết sẽ tiếp nhận cái chết một cách bình tĩnh và chính bản lĩnh đó cũng thường giúp người thân yên lòng.
Một số bệnh nhân của tôi đã thẳng thắn rằng nếu được kiểm soát đau và chăm sóc giảm nhẹ cuối đời tốt thì ung thư vẫn có mặt… hay hơn bệnh khác vì có thể chủ động thời gian của mình. Phải nói rằng đó là tuyên bố đầy bản lĩnh vì họ đã không chỉ quán triệt tư tưởng về sinh-tử để đón nhận cái chết một cách bình thản mà còn nghĩ tới việc chuẩn bị tinh thần cho những người họ yêu thương.
Như cố nhạc sỹ Phạm Duy từng chia sẻ: “Mộ tôi sẽ nằm trên môi những người hát Tình Ca”, sự sống thật ra vẫn có thể tiếp diễn sau cái chết, nhưng chuyển sang và phụ thuộc vào tiềm thức của những người ở lại.
Tôi cũng hay nói với những bệnh nhân vào giai đoạn cuối rằng “Bệnh tật có thể kết thúc cuộc sống nhưng không thể kết thúc những mối quan hệ của chúng ta”. Quan hệ tốt đẹp hay sự yêu thương mà con người dành cho nhau chính là tài sản đẹp đẽ và quý giá nhất có thể trường tồn theo năm tháng.
BS. Phạm Nguyên Quý – Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản