Một số thống kê cho thấy, vẹo cột sống chiếm khoảng 1-4% dân số nước ta, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam và ảnh hưởng nhiều đến trẻ em từ 10-18 tuổi. Cùng với các bệnh ở lứa tuổi học đường như tật khúc xạ, rối loạn tâm lý, vẹo cột sống gia tăng tỷ lệ thuận với gánh nặng học tập trên vai trẻ.
Vẹo cột sống là tình trạng vẹo các thân đốt sống theo trục của mặt phẳng ngang. Hình dung đơn giản, nếu quan sát từ sau lưng, người bị vẹo cột sống sẽ có cột sống bị nghiêng, lệch về một phía, không còn giữ được các đoạn cong sinh lý như bình thường vốn có của nó.
Cột sống tạo thành bộ khung nâng đỡ cơ thể, tạo cho con người có dáng đứng thẳng, bảo vệ tủy sống và các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Trẻ nhỏ với khung xương chưa cốt hóa và phát triển hoàn toàn rất dễ chịu tác động tiêu cực từ tư thế ngồi học không đúng, mang vác nặng, suy dinh dưỡng, chấn thương. Phần lớn nguyên nhân gây vẹo cột sống là bẩm sinh, do bệnh lý về cơ, bệnh lý thần kinh, do những bất thường bẩm sinh của đốt sống và cột sống, bệnh trục chi… Việc cha mẹ nên làm là quan tâm đến con, phát hiện sớm các dấu hiệu vẹo cột sống, tìm ra nguyên nhân để có thể can thiệp kịp thời.
Trong gần 3 năm chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19, trẻ dành phần lớn thời gian học trực tuyến tại nhà, đằng sau các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính. Dù con chỉ có thể tiếp xúc với giáo viên từ xa, nhiều bậc phụ huynh vẫn “phó mặc” việc rèn tư thế ngồi cho thầy cô giáo. Trong khi đó, việc học sinh phải ngồi học trong thời gian dài trên những bộ bàn ghế không đúng kích thước có ảnh hưởng nghiêm trọng tới tư thế và sức khỏe cột sống của các em.
Theo ThS.BS Phạm Thị Minh Nhâm – chuyên khoa về nội cơ xương khớp, các dấu hiệu nhận biết trẻ bị vẹo cột sống hoàn toàn không khó. Những người gần gũi trong gia đình như cha mẹ hoàn toàn có thể là người đầu tiên phát hiện con em có những dấu hiệu bất thường về cột sống.
Vẹo cột sống nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến dạng nặng cột sống, cản trở sự phát triển của các cơ quan nội tạng khác như phổi, lồng ngực. Trong trường hợp nhẹ, bệnh vẫn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới thẩm mỹ và tâm sinh lý của trẻ trong tuổi học đường.
Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường ở con, cha mẹ cần đưa con đi khám để được chẩn đoán, xác định rõ mức độ cong vẹo cột sống. Ngoài những quan sát thông thường, bác sỹ sẽ chỉ định cho bệnh nhân chụp X-quang. Dựa vào phim Xquang, người ta sẽ xác định được độ lớn của góc Cobb (góc càng lớn thì mức độ vẹo càng nặng). Tùy theo độ lớn của góc Cobb và khả năng tiến triển, bác sỹ sẽ chỉ định các bài tập phục hồi chức năng, mang đai nẹp cột sống hoặc phẫu thuật chỉnh hình.
Link nguồn: https://suckhoecong.vn/tat-tan-tat-nhung-dieu-can-biet-ve-cong-veo-cot-song-o-tuoi-hoc-duong-d81053.html