Review cuốn sách Vắc-xin mRNA

VẮC-XIN mRNA CUỘC CHINH PHỤC ĐẠI DỊCH COVID-19 TỪ CÁI NHÌN TRONG CUỘC (THE VACCINE: Inside the Race to Conquer the COVID-19 Pandemic) – Joe Miller, Ugur Sahin, Ozlem Tureci

Mình đã từng đọc quyển VAXXERS (viết về quá trình phát triển vắc-xin Oxford/AstraZeneca) và mình quá ấn tượng với em nó nên khi nhìn thấy thông tin phát hành của quyển Vắc-xin mRNA – viết về quá trình phát triển vắc-xin BioNTech/ Pfizer mình đã rất háo hức và kì vọng quyển sách sẽ mang lại cho mình trải nghiệm tương tự như khi mình đọc quyển VAXXERS.

“Vắc-xin mRNA” được viết bởi Joe Miller, một nhà báo của tờ Financial Times. Trong đại dịch Covid-19, ông đã phỏng vấn 60 nhà khoa học, chính trị gia, nhân viên y tế để tường thuật lại sự ra đời phi thường của vắc-xin BioNTech/ Pfizer với thời gian kỉ lục là 8 tháng.

BioNTech là một công ty công nghệ sinh học chuyên nghiên cứu về các liệu pháp điều trị ung thư tại Đức do hai vợ chồng nhà khoa học người Thổ Nhĩ Kì nhập cư vào Đức là Ugur Sahin và Ozlem Tureci sáng lập. Trong giới học thuật, lí lịch của hai nhà khoa học thiếu đi sự hào nhoáng của các trường đại học Mỹ như Harvard, Johns Hopkins. BioNTech được biết đến là một công ty chuyên về ung thư và là một công ty vô danh đối với người ngoài ngành. Ở thời điểm BioNTech nghiên cứu về vắc-xin phòng Covid-19, chỉ có 12/1000 nhân viên nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm. Công ty đang ngồi trên đống nợ gần nửa tỷ euro và nếu dự án Lightspeed – dự án phát triển vắc-xin Covid-19 thất bại, nó sẽ đặt dấu chấm hết cho BioNTech sau 11 năm hoạt động. Con át chủ bài mà hai nhà khoa học đặt cược cả danh tiếng sự nghiệp của mình là một loại phân tử nhỏ mà chẳng ai quan tâm “mRNA”.

Review cuốn sách Vắc-xin mRNA 1
Cuốn sách Vắc-xin mRNA: Cuộc chinh phục đại dịch Covid-19 từ cái nhìn trong cuộc

mRNA (messenger RNA: RNA thông tin) được các nhà khoa học ưu ái đặt cho cái tên “messy RNA” (RNA lộn xộn) vì tính không ổn định của nó trong điều kiện phòng thí nghiệm, chỉ một cái ho cũng có thể phá hủy nó và lượng protein mà tế bào tạo ra từ nó là quá ít. Với kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển vắc-xin mRNA chống ung thư cá nhân hoá, BioNTech đã phát triển 4 loại phân tử mRNA tổng hợp khác nhau cùng với các công thức nano lipid khác nhau (dùng để bọc mRNA). Kết quả là có 20 ứng cử viên vắc-xin và qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người, ứng cử viên xuất sắc đã lộ diện là vắc-xin BNT162b2 sử dụng nền tảng modRNA, mã hoá toàn bộ phần glycoprotein gai của coronavirus với lớp vỏ lipid ALC-0315. Vắc-xin BioNTech tập trung nhắm vào lớp phòng thủ thứ hai của hệ miễn dịch là miễn dịch tế bào (tế bào T) thay vì miễn dịch dịch thể (kháng thể) như các công ty dược khác.

Nhiều nhà khoa học kiên trì với mRNA đã phải trả giá bằng sự mờ nhạt trong giới hàn lâm. Một giám đốc điều hành công ty dược phẩm đã từng cảnh báo họ rằng những công ty công nghệ sinh học vốn được sinh ra là để chết đi: chúng biến mất do bị mua lại hoặc, thường xuyên hơn, do thất bại nhưng BioNTech đã chứng minh điều ngược lại. Sự thành công của vắc-xin BioNTech là một câu chuyện truyền cảm hứng cho các nhà khoa học nhập cư, các nhà khoa học trẻ, những công ty công nghệ sinh học non trẻ đang theo đuổi nghiên cứu những lĩnh vực ít người quan tâm, đồng thời mở ra những cơ hội, tiềm năng mới cho dược phẩm mRNA trong tương lai.

Mình hoàn toàn bị chinh phục bởi lối tư duy và tầm nhìn của hai nhà khoa học Ugur Sahin và Ozlem Tureci, bảo vệ sự thuần khiết của khoa học bằng mọi giá, mang lí thuyết vào thực tiễn, mang công nghệ mới đến giường bệnh – điều mà ngày nay được biết đến dưới cái tên “y khoa chuyển dịch” (translational medicine). Thỉnh thoảng tác giả có đề cập đến chuyện tình yêu của hai nhà khoa học vào thập niên năm 1990, nó khiến mình nhớ đến giáo viên dạy hóa hồi cấp ba của mình. Thầy và cô vừa là bạn đời, vừa là đồng nghiệp, hỗ trợ nhau trong cuộc sống lẫn sự nghiệp cá nhân và họ kể về nhau bằng cả niềm tin yêu và sự tôn trọng dành cho đối phương.

Nếu bạn đã trót yêu quyển VAXXERS như mình thì không nên bỏ qua quyển Vắc-xin mRNA – một tổ hợp những thông tin về miễn dịch học, sinh học phân tử, startup.

Độc giả Thùy Giang – 22/05/2022