Khi bạn đọc cầm trên tay bản dịch tiếng Việt của quyển sách The vaccine của Joe Miller, cùng với sự tham gia của TS Özlem Türeci và TS Uğur Şahin, những người tạo ra vắc-xin BioNTech-Pfizer, thì vào thời điểm này, các nhà khoa học trên toàn thế giới đang nghiên cứu phát triển khoảng 300 loại vắc-xin phòng chống Covid-19 trên cơ sở 10 công nghệ khác nhau. Nhưng mới chỉ có 23 loại đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp trong năm 2021 để phòng chống chủng virus SARS-CoV-2 quái ác, thứ gây ra một đại dịch toàn cầu, làm gần 500 triệu người mắc bệnh và gần 5 triệu người tử vong.
Quyển sách đã kể lại với độc giả câu chuyện đầy cảm hứng của hai nhà công nghệ sinh học trong lĩnh vực ung thư, hai nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư vào nước Đức, đồng thời là hai vợ chồng “trời sinh một cặp”: Uğur Şahin và Özlem Türeci. Họ đã cùng sáng lập công ty công nghệ sinh học mang tên BioNTech. Dù đã gặt hái được nhiều thành công trong nghiên cứu sản xuất các thuốc sinh học chữa ung thư, công ty ấy vẫn gần như vô danh và tình hình tài chính cũng không mấy khả quan. Như cuốn sách đã đề cập, sau 11 năm hoạt động, công ty đã mắc phải khoản nợ tích lũy lên tới 400 triệu đô la, và nếu việc chuyển hướng nghiên cứu vắc-xin chống Covid-19 thất bại, “đó có thể là dấu chấm hết cho BioNTech”.
Thế nhưng, với sự nhạy cảm – có thể gọi là linh cảm – của người thầy thuốc và nhà nghiên cứu công nghệ sinh học, ngay từ cuối năm 2019 đầu năm 2020, khi những thông tin về “bệnh viêm phổi kỳ lạ” ở Vũ Hán (Trung Quốc) đang còn rất mơ hồ, hai nhà khoa học đã tiên đoán sẽ có một đại dịch xảy ra trước khi chính quyền và giới chức y tế ở nước Đức và các nước phương Tây nhận thức được một tai họa khủng khiếp sắp sửa quét qua các châu lục.
Bạn đọc sẽ thấy được tinh thần làm việc quên mình vì một mục đích cao cả của hai nhà khoa học: Phải tìm ra được một loại vắc-xin để đối phó với đại dịch Covid-19 và cứu sống nhân loại. Họ đã phải vượt qua những khó khăn to lớn như ngọn núi, không chỉ từ trong chính hành trình nghiên cứu, mà còn từ những kẻ phá bĩnh, từ sự căm ghét vô lối chỉ vì nguồn gốc xuất thân và niềm tin của họ. Và sau khi đã có những thành công bước đầu đáng khích lệ, những ngọn núi khác lại lừng lững xuất hiện trước mắt họ: nhu cầu tài chính khổng lồ để có thể đưa nghiên cứu vào chương trình thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm, với hàng chục nghìn tình nguyện viên tham gia thử nghiệm ở nhiều quốc gia, nhằm đáp ứng được yêu cầu cực kỳ khắt khe về mặt khoa học và luật pháp của các cơ quan quản lý dược phẩm. Cuối cùng là yêu cầu về nguồn lực tài chính to lớn để có thể xây dựng những nhà máy có khả năng sản xuất ra hàng tỉ liều vắc-xin cung cấp cho thế giới trong một thời gian kỷ lục, nhằm ngăn chặn sự lan truyền của dịch bệnh.
Ở đây, bạn đọc có thể thấy được tầm nhìn và vai trò của những nhà đầu tư tài chính đồng hành cùng các nhà khoa học. Bill Gates khi bày tỏ mong muốn đầu tư mạo hiểm cho dự án vắc-xin mRNA của BioNTech đã nói: “Chúng tôi sẽ lãng phí vài tỉ đô la cho việc sản xuất những thiết kế vắc-xin không được lựa chọn vì có thứ khác tốt hơn. Nhưng việc bỏ ra một vài tỉ đô la trong tình hình này, khi mà hàng nghìn tỉ đô la giá trị kinh tế đang bị mất đi, là đáng giá.”
Và kinh nghiệm nghiên cứu-phát triển, thử nghiệm lâm sàng, tổ chức sản xuất của Tập đoàn dược phẩm hàng đầu Pfizer đã góp phần quyết định để chỉ trong vòng 10 tháng kể từ những thí nghiệm ban đầu của Dự án Lightspeed, nhân loại đã có loại vắc-xin mRNA đầu tiên phòng chống SARS-CoV-2 – vắc-xin BNT162b2 – tạo nên một kỷ lục vô tiền khoáng hậu xứng đáng với cái tên tốc độ ánh sáng (Lightspeed). Loại vắc-xin ấy đã thành hiện thực; dù cho Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã nói rằng “từ nghiên cứu đến kinh doanh là một hành trình dài”; dù cho vào tháng 2 năm 2020, TS Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của nước Mỹ đã cảnh báo “phải mất một năm nữa một loại vắc-xin mới được hoàn thành, đó còn là trong tình huống ‘lạc quan nhất’”; dù cho Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, TS Tedros Adhanom Ghebreyesus, dự đoán một cách thận trọng hơn rằng “sẽ mất đến 18 tháng để một loại vắc-xin khả thi xuất hiện, chưa kể đến quá trình phê duyệt để sử dụng rộng rãi và thời gian phân phối toàn cầu”. Uğur Şahin và Özlem Türeci, những người phát triển công nghệ mRNA, không chỉ là hai người bạn đời, mà còn là hai nhà khoa học cùng chí hướng, sống một cuộc đời tối giản – thậm chí không sở hữu ô tô và máy truyền hình – thấm nhuần tinh thần bất vụ lợi, không lợi dụng phát minh của mình để “ăn thịt” đồng loại trước khi coronavirus làm điều đó. Uğur đã phát biểu rằng giá cả không được phép trở thành rào cản với cung ứng vắc-xin toàn cầu. Tinh thần ấy cũng đã lan tỏa và truyền cảm hứng cho những người bạn đồng hành cùng chí hướng của vợ chồng ông trên con đường đầy chông gai: Phát minh ra một loại vắc-xin dựa trên nền tảng của một công nghệ đột phá hoàn toàn mới – công nghệ mRNA. Graham, một cộng sự của Uğur cũng đã nhấn mạnh: “Tôi là một con người vì cộng đồng. Toàn bộ lý do khiến tôi làm việc đó chỉ là để mọi thứ diễn ra nhanh hơn và tốt đẹp hơn.”
Cũng cần phải nói thêm rằng tác giả của cuốn sách, một nhà báo đã theo chân Dự án Lightspeed ngay từ đầu, đã hết sức sáng tạo và thành công khi diễn đạt những kiến thức về miễn dịch học vốn rất phức tạp, cũng như mô tả hành trình khoa học cũng phức tạp không kém về nghiên cứu và sản xuất vắc-xin, bằng những khái niệm “đời thường” rất giản dị nhưng thú vị để người đọc có thể hiểu được một cách dễ dàng.
Xin cảm ơn MedInsights đã cho tôi đọc trước bản dịch của quyển sách quý rất thú vị này và xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Hà Nội, tháng 3 năm 2022
PGS TS Lê Văn Truyền
Chuyên gia cao cấp (Dược học)
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế