Thực dưỡng không phải chế độ ăn uống xa lạ với cộng đồng quan tâm đến sức khỏe trên toàn thế giới. Bài viết đăng tải trên tạp chí Permanente chỉ ra tác động của chế độ ăn thực dưỡng với người bệnh ung thư.
Khái niệm thực dưỡng
Năm 1987, tác giả Michio Kushi người Nhật xuất bản cuốn sách về thực dưỡng, giới thiệu thực dưỡng là “lối sống mang tính toàn diện được loài người đã phát triển cả về mặt sinh học, tâm lý và tinh thần, nhờ đó chúng ta có thể duy trì sức khỏe, hạnh phúc và bình yên.”
Khi được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, thực dưỡng hay macrobiotics, trở thành một chế độ dinh dưỡng được dùng để hỗ trợ ngăn ngừa và trị nhiều bệnh. Những người ủng hộ trào lưu này tin rằng, một số nguyên tắc thực dưỡng như tăng cường vận động, hạn chế tiếp xúc với thuốc trừ sâu, hóa chất và bức xạ điện từ sẽ giúp phòng ngừa ung thư.
Tác giả Michio Kushi đề xướng xây dựng chế độ thực dưỡng như một chế độ ăn tăng cường carbohydrate phức tạp, hạn chế chất béo. Chế độ ăn cũng được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân, tùy thuộc theo độ tuổi, giới tính, mức độ vận động và môi trường sống.
Chế độ ăn gồm 5 nhóm thực phẩm:
- Ngũ cốc nguyên hạt (chiếm 40-60% tổng lượng thực phẩm nạp vào hàng ngày): Gạo lức, lúa mạch, kê, yến mạch, lúa mì, ngô, lúa mạch đen, kiều mạch… và các sản phẩm chế biến từ chúng (mì, bánh mì).
- Rau củ (20-30%): Có thể ăn rau củ sống hoặc rau củ muối. Ưu tiên rau củ trồng tại địa phương và chế biến đa dạng.
- Các loại đậu (5-10%): Gồm đậu azuki, đậu gà, đậu lăng và các sản phẩm như tofu, tempeh, natto (đậu tương lên men).
- Thường xuyên ăn rong biển như nori, wakame, kombu.
- Trái cây, cá trắng, các loại hạt hạch có thể ăn vài lần/tuần hoặc ít hơn.
Chế độ thực dưỡng tiêu chuẩn yêu cầu kiêng thịt đỏ và thịt gia cầm, chất béo từ động vật, trứng, sữa, đường tinh luyện, thực phẩm chứa chất làm ngọt nhân tạo hoặc phụ gia. Chế độ thực dưỡng khuyến cáo không ăn thực phẩm biến đổi gene. Với người bệnh ung thư, các nguyên tắc kiêng khem trên cần được tuân thủ đến khi sức khỏe có dấu hiệu phục hồi.
Nguy cơ tiềm ẩn từ chế độ ăn thực dưỡng
Chế độ thực dưỡng lần đầu được du nhập vào Mỹ bởi George Ohsawa – người có công truyền bá phong trào này trên toàn thế giới. Chế độ ăn của ông gồm 10 giai đoạn hạn chế dần dần, đến giai đoạn cuối, người thực hiện chỉ được ăn gạo lứt và nước. Không bất ngờ khi chế độ ăn của ông kéo theo loạt hậu quả như: Bệnh Scurvy (thiếu hụt vitamin C), thiếu máu, hạ calci máu, suy thận, suy dinh dưỡng…
Y văn đã ghi nhận một số trường hợp trẻ sơ sinh trong các gia đình thực hiện chế độ ăn thực dưỡng có dấu hiệu suy dinh dưỡng. Hầu hết bệnh nhân ung thư gặp phải vấn đề sụt cân trầm trọng, Do đó, các bác sỹ cho rằng, việc tuân theo chế độ ăn khắc nghiệt có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Ăn thực dưỡng có chống ung thư?
Niềm tin vào tác dụng của chế độ thực dưỡng đến từ các nghiên cứu riêng lẻ về các nhóm thực phẩm có trong chế độ ăn này. Báo cáo năm 1997 của Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ và Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới cho thấy, tăng khẩu phần rau củ quả hàng ngày từ 250gr lên 400gr có thể giảm 20% số ca mắc ung thư trên toàn thế giới. Nghiên cứu trên chuột cho thấy ăn rong biển có thể giảm nguy cơ ung thư vú.
Tuy nhiên, có ít nghiên cứu xác đáng có thể chứng minh khả năng phòng ngừa ung thư của chế độ thực dưỡng. Dữ liệu và cách chọn mẫu thiếu tính xác thực khiến nhiều người bệnh từ bỏ việc trị liệu ung thư sớm để thực hiện chế độ thực dưỡng. Bệnh nhân ung thư tuyến tụy khi ăn theo chế độ thực dưỡng chỉ có thể kéo dài sự sống thêm vài tháng và không qua khỏi.
Link gốc: https://suckhoecong.vn/che-do-an-thuc-duong-macrobiotics-co-tac-dung-voi-ung-thu-hay-khong-d79641.html