Lao kháng thuốc là thể bệnh lao cực kỳ nguy hiểm và có thể gây tổn hại trầm trọng đến sức khỏe người bệnh. Điều trị lao kháng thuốc tốn kém, và thời gian điều trị còn kéo dài hơn gấp nhiều lần so với người mắc lao thông thường.
- Lao kháng thuốc là gì?
Lao kháng thuốc là tình trạng mà vi khuẩn lao kháng lại các thuốc chống lao, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và bản thân bệnh nhân trở thành nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng. Việc mắc lao kháng thuốc sẽ khiến người bệnh đối mặt với tình trạng sức khỏe trầm trọng cùng với việc điều trị tiêu tốn nhiều thời gian, tiền bạc.
Nguyên nhân gây ra bệnh lao kháng thuốc gồm:
- Bệnh nhân không thực hiện điều trị đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa lao.
- Do thầy thuốc điều trị không đúng (phối hợp thuốc không đúng, hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc không đúng, hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc không đúng cách…), hoặc khi bệnh nhân được điều trị bởi bác sĩ không có hiểu biết về chuyên khoa ở phòng khám tư.
- Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể mắc bệnh lao kháng thuốc từ trước khi điều trị (hít phải vi khuẩn lao kháng thuốc từ nguồn bệnh trong cộng đồng).
- Những biểu hiện của lao kháng thuốc
Lâm sàng: Bệnh nhân lao kháng thuốc trong quá trình điều trị lao thì các triệu chứng như sốt, ho, khạc đờm không thuyên giảm hoặc thuyên giảm một thời gian rồi lại xuất hiện với các triệu chứng tăng lên, bệnh nhân liên tục sụt cân.
Cận lâm sàng: Một số bệnh nhân lao kháng thuốc có xét nghiệm AFB nhuộm soi trực tiếp dương tính liên tục hoặc âm tính một thời gian rồi dương tính trở lại hoặc dương tính, âm tính xen kẽ. Kháng sinh đồ cho kết quả kháng các thuốc chống lao hàng 1 và hoặc thuốc tiêm hàng 2. Tổn thương trên X-quang không có nhiều khác biệt với bệnh nhân lao thông thường.
- Chẩn đoán xác định lao kháng thuốc như thế nào?
Chẩn đoán xác định lao kháng thuốc cần dựa vào xét nghiệm kháng sinh đồ hoặc các xét nghiệm chẩn đoán nhanh chứng thực như Hain test, Gene Xpert MTB/RIF,… với phân loại lao kháng thuốc như sau:
- Kháng đơn thuốc: Chỉ kháng với duy nhất một thuốc chống lao hàng một khác Rifampicin.
- Kháng nhiều thuốc: Kháng với từ 2 thuốc chống lao hàng một trở lên mà không kháng với Rifampicin.
- Lao kháng Rifampicin: Kháng với Rifampicin và có thể có hoặc không kháng thêm với các thuốc chống lao hàng một khác kèm theo (có thể là kháng đơn thuốc, kháng nhiều thuốc, đa kháng thuốc hoặc siêu kháng thuốc)
- Đa kháng thuốc (MDR-TB): Kháng đồng thời với ít nhất 2 thuốc chống lao là Isoniazid và Rifampicin.
- Tiền siêu kháng: Là lao đa kháng có kháng thêm với bất cứ thuốc nào thuộc nhóm Fluoroquinolone hoặc với ít nhất một trong 3 thuốc tiêm hàng hai (Capreomycin, Kanamycin, Amikacin)( chứ không đồng thời cả 2 loại trên)
- Siêu kháng thuốc (XDR-TB): Lao đa kháng có kháng thêm với bất cứ thuốc nào thuộc nhóm Fluoroquinolone và ít nhất một trong ba thuốc tiêm hàng hai như trên.
- Điều trị lao kháng thuốc
Điều trị lao đa kháng cần phối hợp nhiều nhóm thuốc, kéo dài tối thiểu 9 tháng. Người bệnh cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ và sẽ được bác sĩ theo dõi đáp ứng điều trị, tác dụng bất lợi của thuốc thông qua nhiều xét nghiệm (máu, đờm, X-quang, chụp CT, nội soi…) để giúp người bệnh đạt được hiệu quả sạch khuẩn, tránh lây lan cộng đồng.
Theo Vinmec