Người đang hóa trị, xạ trị ung thư nên ăn gì và kiêng gì?

Kiêng không ăn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng để ngăn cản sự phát triển nhanh chóng của tế bảo ung thư là cách làm không đúng. Đặc biệt, trong quá trình hóa trị, xạ trị, người bệnh cần ăn uống đầy đủ để cơ thể có đủ năng lượng đáp ứng việc điều trị và chống lại những tác dụng phụ của hóa trị ung thư.

Dưới đây là lời khuyên của TS BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam về chế độ dinh dưỡng đối với người bệnh ung thư đang hóa trị, xạ trị.

  1. Vai trò của dinh dưỡng với bệnh nhân ung thư điều trị hóa trị, xạ trị

Điều trị bằng hóa trị, xạ trị là những liệu giúp bệnh nhân ung thư kéo dài thời gian sống thậm chí có thể chữa khỏi một số loại ung thư nhất định.

Tuy nhiên, các loại thuốc hóa trị có thể làm rối loạn chế độ ăn uống của bạn với các biểu hiện như: ăn kém, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, đau miệng và tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Vì vậy, bạn nên lập kế hoạch chế độ ăn uống trong quá trình hóa trị

Việc điều trị bằng hóa trị, xạ trị gây nên nhiều gánh nặng đối với hệ thống tiêu hóa của người bệnh. Đồng thời, lúc này, cơ thể của bệnh nhân cũng cần rất nhiều năng lượng để có thể đáp ứng được việc điều trị.

Bệnh nhân cần ăn thức ăn chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng để giúp cơ thể khỏe mạnh, đáp ứng được quá trình điều trị và chống lại những tác dụng phụ do hóa trị ung thư.

Vai trò của dinh dưỡng với bệnh nhân ung thư điều trị hóa trị, xạ trị

  1. Chế độ ăn khi điều trị hóa trị, xạ trị ung thư
  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày: 5-6 bữa/ngày.
  • Nên ăn thường xuyên, ăn chậm, nhai kĩ.
  • Sử dụng thức ăn dạng lỏng: Bệnh nhân nên ăn các loại thực phẩm mềm, lỏng hoặc ăn kèm với nước sốt, nước thịt… Bên cạnh đó, sử dụng các thức ăn dạng mềm lỏng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng lên hệ tiêu hóa và giúp thức ăn được hấp thu tốt hơn.
  • Ăn nhiều rau xanh, củ quả và đặc biệt là cà rốt. Rau xanh cung cấp đầy đủ các vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và chất xơ cho bệnh nhân ung thư.
  • Cà rốt có rất nhiều β-carotene, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A, giúp ngăn ngừa sự biến đổi của các tế bào khỏe mạnh và tham gia vào quá trình làm teo nhỏ các tế bào ung thư.
  • Thực phẩm giàu protein (thịt nạc, thịt gà, rau, trứng, cá, sữa ít béo…). Các thực phẩm này giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể.
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt hỗ trợ hệ thống tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, giảm tình trạng táo bón.
  • Các thực phẩm nên dùng: chuối, gạo trắng, bánh mì trắng, sữa chua vị vani hoặc sữa chua trắng giúp giảm tình trạng tiêu chảy khi hóa trị, giảm rối loạn tiêu hóa.
  1. Thực phẩm không nên ăn khi điều trị hóa trị, xạ trị ung thư
  • Tránh sử dụng những đồ ăn, đồ uống gây nóng rát.
  • Đồ cay: như sốt cay, món có ớt, cà ri.
  • Đồ ăn, thức uống giàu axit như cà chua, họ cam.
  • Đồ ăn cứng, giòn: khoai tây, ngô chiên.
  • Đồ uống có cồn.
  • Đồ uống hoặc thực phẩm chứa cafein như cà phê, trà đen, soda, sô cô la.
  • Thực phẩm hoặc đồ uống sinh khí gas như cải bắp, súp lơ xanh, sữa đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành.
  • Đồ chiên rán, thực phẩm nhiều dầu mỡ.

Nguồn: benhvien175.vn