Thông tin tác giả:
- Vũ Thế Thành: Thạc sĩ quản trị chất lượng, chuyên gia an toàn thực phẩm, giảng viên về an toàn thực phẩm của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP); tác giả của sách Ăn để sướng hay ăn để sợ? (tập 1,2), Để ăn không phải băn khoăn.
- Tiến sĩ Bác sĩ Trần Phạm Chí, Trưởng khoa Nội Tiêu Hóa, Bệnh viện Trung ương Huế.
- Tiến sĩ Bác sĩ Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Đại học Tokyo.
Mình đã đọc “Nhân tố enzyme” (tập 1) cách đây vài năm, đọc xong mình vẫn không hiểu vì sao sách lại nổi tiếng đến vậy, phải chăng là do độc giả quá dễ tính, dễ rơi vào lối suy nghĩ “sách viết gì cũng đúng”. Tất cả những thông tin trong sách đều được đúc kết từ mấy chục năm lăn lộn trong nghề của BS Hiromi Shinya và 300.000 trường hợp khám lâm sàng, không có bất cứ một nghiên cứu khoa học nào được nhắc đến, sách thậm chí còn không có phần tài liệu tham khảo. Ở vị trí một độc giả, mình không biết nên dựa vào cái gì để tin tưởng và áp dụng “lối sống Shinya” được đề cập trong sách. Mình đã rất phấn khích khi có một “bên thứ ba” có chuyên môn hơn đưa ra những nhận định, phản biện về “Nhân tố enzyme”.
Trong “Một nửa sự thật”, tác giả chủ yếu phản biện dưới góc nhìn khoa học thực phẩm về những loại thực phẩm mà BS Shinya phê phán là “có hại, cần phải loại bỏ” và tác giả chỉ chọn những loại thực phẩm quen thuộc với người Việt như sữa bò, sữa chua, muối tinh,… đồng thời lí giải vì sao việc sản xuất qui mô công nghiệp có thể làm giảm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.
Xuyên suốt quyển “Nhân tố enzyme”, BS Hiromi Shinya chỉ đưa ra giả thiết nhưng lại thiếu những dẫn chứng chứng minh giả thiết đó đúng hay dẫn chứng không đủ thuyết phục. Phải nhắc đến giả thiết “enzyme diệu kì – là enzyme nguyên bản mà cơ thể dự trữ để sản xuất những enzyme khác khi cơ thể cần” mà không có dẫn chứng đính kèm, trong khi kiến thức khoa học được chấp nhận rộng rãi “enzyme có tính đặc hiệu, enzyme nào xúc tác phản ứng nấy, không xúc tác cho phản ứng khác được”. Tiếp theo là “sự bí ẩn” của 300.000 trường hợp khám lâm sàng được BS khảo sát, bố trí khảo sát như thế nào, giới tính, độ tuổi, bệnh lí nền,… không được công khai trong sách, mặc dù 300.000 là một lượng mẫu khảo sát khá lớn. Về khía cạnh khoa học thực phẩm, điểm bất ổn của sách phần lớn đến từ việc BS không thực sự hiểu rõ các quá trình chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, BS quá tập trung vào một tác hại của một loại thực phẩm mà gạt bỏ hết những lợi ích còn lại. Tất cả các loại thực phẩm đều có tác dụng lợi và hại, chúng chỉ khác nhau ở “liều lượng”, dường như BS đã bỏ qua khái niệm này. Về khía cạnh y học, BS có xu hướng cổ xúy việc thay đổi lối sống, chế độ ăn để chữa bệnh thay vì dùng thuốc hay can thiệp phẫu thuật, điều đó chẳng khác nào khuyến khích bệnh nhân tự tước đi quyền được điều trị của mình.
“Một nửa sự thật” được viết cho các độc giả ngoài ngành khoa học nên các thuật ngữ hàn lâm đều được lượt giản, các kiến thức chuyên ngành được diễn giải bằng ngôn ngữ rất bình dân, thực tế, xen chút hài hước và cà khịa. Cách lập luận, phản biện của tác giả rất văn minh, lịch sự, nêu rõ quan điểm đồng ý hay bác bỏ, rất sòng phẳng khoa học. Một điều mình khá tiếc là sách hướng đến độc giả ngoài ngành nhưng lại không có bài viết chia sẻ cách lựa chọn sách sao cho khoa học. Mình có niềm tin “Một nửa sự thật” sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh độc giả cần phải khắt khe hơn với sự lựa chọn của bản thân, đặc biệt ở thời điểm hiện tại khi trên thị trường có quá nhiều sách viết về khoa học dinh dưỡng, chúng ta như đang chết đuối trong “biển thông tin”.
Nếu như bạn có ý định đọc “Nhân tố enzyme” thì nên đọc cả “Một nửa sự thật” để tự chắt lọc kiến thức cho bản thân. Trong trường hợp bạn đang bối rối với những khuyến cáo về an toàn thực phẩm tràn lan trên internet thì mình tin bạn sẽ tìm thấy câu trả lời mà mình cần trong “Một nửa sự thật”, sách do Medinsights phát hành.
Độc giả Thùy Giang – 21/02/2022