Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài với sự xáo trộn về thói quen sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi khiến nhiều người gặp phải tình trạng mệt mỏi, uể oải, rất khó tập trung khi trở lại công việc. Để lấy lại năng lượng, phục hồi sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, các bác sĩ khuyến cáo mỗi người cần thiết lập lại chế độ sinh hoạt lành mạnh, kết hợp luyện tập thể thao hợp lý.
Những bệnh dễ gặp sau Tết
Lượng bệnh nhân đến khám, kiểm tra các bệnh lý đường tiêu hóa thường tăng lên. Lý do là việc nạp vào cơ thể quá nhiều chất, ăn uống thất thường, tiệc tùng và thói quen rượu bia liên tục làm trầm trọng bệnh lý đường tiêu hóa. Có sáu bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa dễ gặp trong dịp Tết là viêm loét dạ dày; hội chứng ruột kích thích; viêm loét đại tràng; tiêu chảy, táo bón; nhiễm trùng đường tiêu hóa và trào ngược dạ dày, thực quản.
Bánh chưng là không thể thiếu trong ngày Tết, nhưng ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Một phần tư chiếc bánh chưng tương đương với năng lượng của hai bát cơm. Ngoài bánh chưng, bữa ăn ngày Tết còn có giò, chả, nem, thịt quay, thịt rán… Năng lượng nạp thêm vào cơ thể mỗi ngày Tết là khoảng 1.000 calo. Cộng với ít vận động nên chỉ khoảng vài ngày, cơ thể có thể tăng lên 1-2 kg, gây ra tình trạng thừa cân, tăng mỡ, tăng đường máu, nhất là đối với những người có sẵn bệnh đái tháo đường, huyết áp, tim mạch…
Tết cũng là thời điểm nhiều người “mải vui” quên uống thuốc, gây ảnh hưởng đến việc kiểm soát huyết áp, làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhất là ở thời điểm giá rét. Thống kê hằng năm cho thấy, tỷ lệ người bệnh tăng huyết áp nhập viện do đột quỵ trong và sau Tết tăng khoảng 15-30% so với bình thường.
Sớm đưa lịch sinh hoạt về bình thường
Để tránh bệnh lý đường tiêu hóa sau Tết, cần xây dựng và thực hiện lối sống khoa học, cụ thể là ngủ đủ giấc, ăn đúng giờ, chia nhỏ bữa nếu mắc hội chứng ruột kích thích. Tránh sử dụng các chất kích thích, như bia, rượu, thuốc lá, trà đặc… Tránh ăn các thức ăn chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ, nhiều đường, nhiều đạm. Tránh ăn quá nóng, quá lạnh. Kiểm tra sức khỏe định kỳ, hoặc tái khám ngay khi các triệu chứng cấp tính hoặc triệu chứng dai dẳng để tránh gây biến chứng nguy hiểm.
Sau Tết, lịch sinh hoạt, ăn uống nên sớm được đưa về bình thường càng sớm càng tốt. Đặc biệt, nên duy trì tối thiểu 30 phút vận động mỗi ngày với các môn thể thao phù hợp. Những vận động tưởng nhỏ, như đi bộ, chọn đi cầu thang bộ thay vì thang máy… cũng góp phần tiêu hao năng lượng.
Trong bối cảnh Covid-19, sau Tết, khi trở lại với công việc, chúng ta vẫn cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K c trong phòng, chống dịch Covid-19, giảm bớt việc tụ tập hoặc ngồi với khoảng cách gần để giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Trong trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19, như: Ho, sốt, khó thở…, thì hạn chế tiếp xúc, đi lại và thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xử lý theo quy định.
Nguồn: Hà Nội Mới