Vaxxers – Cuộc chạy đua chưa hồi kết giữa nhân loại và loài virus nguy hiểm

Vaxxers có thể nói là câu chuyện đầy “nội tình” được Sarah Gilbert và Catherine Green, hai nhà khoa học đều là thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford, chia sẻ một cách tận tường về cách một trong những loại vắc xin nổi tiếng Oxford AstraZeneca được phát triển một cách có chủ đích.

Trong Vaxxers, hai nhà nữ khoa học đã tiết lộ quá trình chế tạo vắc-xin Oxford AstraZeneca, cũng như những kĩ thuật khoa học tiên tiến và công việc khó khăn đằng sau quá trình này. Mặc dù được viết bởi hai nhà khoa học, đây không phải là một cuốn sách khoa học khô khan, không thể tiếp cận được đối với những người “ngoại đạo”. Ngược lại, nó là một cuốn sách rõ ràng, dễ tiếp cận và chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy thú vị với quá trình đầy chông gai từ ý tưởng cho đến việc sản xuất và phân phối một loại vắc-xin.

Trong thời đại trước đại dịch COVID-19, có một mặc định về vắc-xin đó là phải mất ít nhất 10-15 năm để đi từ ý tưởng cho đến khi chúng có thể ra mắt dưới dạng sản phẩm thương mại. Các vắc-xin tiềm năng phải được thử nghiệm để xem chúng có thể tiêu diệt tế bào vi khuẩn hoặc virus trong ống nghiệm, sau đó ở động vật nhỏ, động vật lớn và cuối cùng là con người. Quá trình thử nghiệm vắc-xin trên con người trải qua ba giai đoạn với thử nghiệm giai đoạn 1 để kiểm tra tính an toàn và khả năng tạo miễn dịch của vắc-xin ở những người khỏe mạnh, sau đó nó được thử nghiệm trên nhiều nhóm tuổi hơn để xem liệu những người tiêm vắc-xin có được bảo vệ tốt hơn những người không tiêm vắc-xin hay không và cuối cùng, một quy trình tương tự được lặp lại ở hàng nghìn bệnh viện trên khắp đất nước, hoặc thậm chí quốc tế, để xem liệu giá trị bảo vệ có được duy trì hay không. Ở mỗi giai đoạn, các tác dụng ngoại ý có thể xảy ra đều được ghi nhận và xem xét, theo dõi.

Vaxxers - Cuộc chạy đua chưa hồi kết giữa nhân loại và loài virus nguy hiểm
Vaxxers – Cuộc chạy đua chưa hồi kết giữa nhân loại và loài virus nguy hiểm

Vào ngày 1 tháng 1 năm 2020, Sarah Gilbert, giáo sư về vắc-xin tại Đại học Oxford, đã đọc một bài báo về bốn người ở Trung Quốc mắc chứng viêm phổi lạ. Trong vòng hai tuần, cô và nhóm của mình đã lên kế hoạch phát triển loại vắc-xin chống lại mầm bệnh mà chưa ai từng biết trước đây. Và chưa đầy 12 tháng sau, tiêm chủng đã được triển khai trên toàn thế giới để cứu sống hàng triệu người từ COVID-19. Có thể nói đây là một trong những câu chuyện kì diệu nhất trong thế giới y học.

Sarah và Cath chia sẻ những khoảnh khắc thót tim của bản thân, đồng thời giải thích cách họ tạo ra một loại vắc-xin hiệu quả cao trong thời gian kỷ lục trước sự chứng kiến đầy kinh ngạc ​​của cả thế giới; và điều này cho chúng ta niềm cảm hứng về những hy vọng trong tương lai.

Các tác giả, xen kẽ vào các chương, nêu bật những thách thức của việc thích nghi với cuộc sống không ngừng bị giám sát, hàng loạt các cuộc phỏng vấn công khai cùng với việc quản lý cuộc sống hàng ngày của nhà khoa học: tài trợ viết lách, tiến hành thí nghiệm, quản lý phòng thí nghiệm. Các tác giả nhắc nhở chúng ta rằng vắc-xin này được thiết kế có chủ ý chứ không phải là “được khám phá” và cuốn sách này là một mô tả rất rõ ràng về cách thức vận hành của quy trình đó. Đây là cuốn sách cần phải đọc đối với bất kỳ ai đang cố gắng hiểu rõ hơn về virus và cách các vắc-xin được phát triển để chống lại chúng. Nó khá dễ đọc bởi những người không phải là nhà khoa học và sẽ giúp chống lại nhiều thông tin sai lệch xung quanh chủ đề này. Hai nhà nữ khoa học cũng không ngần ngại chia sẻ về những thất bại không thể tránh khỏi trong suốt chặng đường. Họ cũng bộc lộ sự căng thẳng to lớn khi phải chống chọi với đại dịch trong khi phải điều chỉnh cuộc sống cá nhân và cách làm việc của họ để sống trong chính đại dịch.

Câu chuyện là một minh họa sống động về cách thức mà sự rèn luyện không ngừng nghỉ cuối cùng cũng mang lại kết quả tương xứng. Một cơ sở sản xuất trong phòng thí nghiệm chỉ có thể sản xuất 100 liều vắc-xin cùng một lúc, nhưng có 8 tỷ người trên khắp hành tinh này đang chực chờ trước hàm răng sắc nhọn của con quái vật mang tên COVID-19 này và hàng triệu liều vắc-xin là cần thiết. Hợp tác với một nhà sản xuất lớn là con đường duy nhất khả thi. Quá trình để đạt được những thỏa thuận này là một thách thức thật sự.

Đồng hành cùng câu chuyện của hai nhà khoa học này, bản thân tôi dường như cũng cảm giác thao thức cùng những nỗi niềm của họ. Mình cảm nhận rõ những trăn trở nơi họ trước những thông tin và chỉ trích sai lệch nhằm vào loại vắc-xin họ phát triển, cũng như niềm hân hoan khi các số liệu nghiên cứu được chính thức công bố giúp minh oan và giải tỏa mọi hiểu lầm trước sự an toàn và hiệu quả của vắc-xin này. Qua câu chuyện mà hai nhà nữ khoa học tài ba này chia sẻ, bản thân tôi cũng phần nào thấy được trình độ chuyên môn, kiến thức khoa học, cũng như tấm lòng nhân ái và tinh thần hợp tác không vụ lợi mà chỉ nhằm mục đích chung vì sự an toàn của toàn thể nhân loại. Có thể nói không ngoa rằng đây là một trong những câu chuyện thần kỳ nhất trong thế giới y học.

Cảm ơn Medinsights đã giới thiệu đến những đọc giả yêu thích khoa học như tôi một quyển sách quý giá như thế này!

Độc giả Trương Bỉnh Nam – 22/01/2022