Thời Covid trẻ em cần được quan tâm cả về thể chất lẫn tinh thần

Đây chính là thông điệp được các BS giàu chuyên môn đưa ra tại Hội thảo online online: “Vắc-xin cho trẻ về thể chất và tinh thần” do MetaMinds tổ chức ngày 14/4/2022 với sự đồng hành của Thương hiệu sách Y học MedInsight và Công ty Công nghệ eDoctor.

Chương trình có sự tham gia của hai diễn giả gồm: (1) PGS. TS. BS.  Phạm Quang Thái Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Phó Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm Viện VSDTTW đồng thời là Phó trưởng Bộ môn Nghiên cứu khoa học và thống kê y sinh, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội; (2) TS.BS. Trịnh Thị Bích Huyền – Chuyên gia về sức khỏe tâm thần. Bác sĩ Huyền hiện là Bác sĩ điều trị tại Phòng Khám, Tư vấn và Điều trị ngoại trú, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.

Dẫn dắt, điều phối chương trình là TS. BS Lê Thị Thanh Thủy, hiện đang công tác tại Khoa Nội Gan Mật, trường Đại học Y khoa, thuộc Đại học Thành phố Osaka (Osaka City University), Osaka, Nhật Bản. TS. BS. Lê Thị Thanh Thủy là người có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu y khoa, đặc biệt về bệnh lý xơ và ung thư gan, miễn dịch trong ung thư.

Trong bối cảnh bùng nổ của đại dịch, khảo sát của Viện Dư luận xã hội(1) cho thấy 81% người tham gia sẵn sàng đưa trẻ 5-11 tuổi đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 nếu ngành y tế tổ chức tiêm. Tuy nhiên không nhiều người trong số này thực sự hiểu và hiểu đúng về tác dụng và ảnh hưởng của vắc xin tới trẻ.

Cũng trong khía cạnh về sức khỏe trẻ nhỏ, theo khảo sát mới được công bố vào đầu tháng 4 năm nay của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF(2) cả nước có trên 3 triệu trẻ em cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần. Đặc biệt, những ngày vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều tin tức đáng buồn liên quan đến vấn đề này.

Dịch bệnh bùng nổ, ảnh hưởng rất nhiều đến thể chất trẻ nhỏ, nhưng rồi cũng dần được đẩy lùi bởi sự xuất hiện của vắc xin. Vậy vắc xin có lợi và có hại như thế nào với sức khỏe của trẻ? Mặt khác, vắc xin nào sẽ nâng đỡ trẻ, mang đến những yêu thương, món ăn tinh thần cho những tâm hồn non nớt? Hội thảo “Vắc-xin cho trẻ về thể chất và tinh thần” được tổ chức nhằm giải đáp những thắc mắc này của nhiều phụ huynh.

Phần đầu của chương trình BS Lê Thị Thanh Thủy và BS Phạm Quang Thái chia sẻ về thực trạng và những kiến thức cập nhật về việc tiêm vắc- xin Covid dành cho trẻ nhỏ tại Nhật Bản và Việt Nam.

TS BS Thủy cho biết, theo số liệu thống kê mới nhất từ Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản, tính đến ngày 11/4 vừa qua ở Nhật có 6, 808, 835 trẻ từ 12-19 tuổi tiếm đủ 2 mũi vắc-xin covid chiếm 75,6% số trẻ trong độ tuổi này tiêm phòng. Trong khi đó, số trẻ từ 5-11 tuổi tiêm đủ 2 mũi là 192,047 trẻ chiếm 2,6 số trẻ trong độ tuổi này.

Tại Nhật Bản, việc tiêm phòng cần phải có sự đồng ý của cha mẹ.  Và trẻ được khuyến khích tiêm phòng bởi 4 lý do: (1)Ngay cả khi trẻ bị nhiễm bệnh chỉ có các triệu chứng nhẹ, chúng phải ở nhà trong thời gian dài, điều này có thể khiến chúng gặp khó khăn về thể chất và tinh thần. (2) Vắc xin không có tỷ lệ thành công 100% trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng, nhưng chúng làm tăng khả năng trẻ chỉ gặp các triệu chứng nhẹ. (3) Khi trẻ em được chủng ngừa, khả năng chúng mang vi-rút về nhà và tiếp xúc với cha mẹ và ông bà của chúng sẽ giảm đi. (4) Trẻ em tham gia các hoạt động ngoại khóa, bao gồm cả việc học thêm và chơi thể thao, có nhiều nguy cơ bị nhiễm bệnh hơn.

TS BS Phạm Quang Thái cho biết: chính sách tiêm phòng covid 19 dành cho trẻ nhỏ tại Việt cũng tương đồng với Nhật Bản trong việc tiêm phòng cần có sự đồng thuận của cha mẹ, và trẻ được khuyến khích tiêm để phòng tránh căn bệnh này.

TS BS Thái cũng cập nhật cho các bậc phụ huynh và mọi người tham gia chương trình những kiến thức cập nhật về dịch Covid 19, cụ thể là về cách cơ thể đáp ứng với virus, cơ chế tổn thương tim, gây ra rối loạn đông máu, huyết khối-tắc mạch-chảy máu tại phổi, cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch… Ông cũng đưa ra và phân tích cụ thể các loại vắc xin phòng Covid 19 được sử dụng tại Việt Nam, đặc biệt là loại vắc xin dùng cho trẻ em với liều lượng, cách thức sử dụng cụ thể.

TS BS Thái cũng đưa ra các hướng dẫn cụ thể dành cho các phụ huynh có con tiêm phòng, trong đó có việc xử trí các phản ứng từ thông thường đến bất thường cho trẻ sau khi tiêm. Ông cũng đưa ra hướng dẫn xử trí khi gia đình có người thân bị nhiễm virus và cách xử lý môi trường sau khi khỏi bệnh. Ông lưu các bề mặt người bệnh tiếp xúc nhiều như điện thoại, tay nắm cửa, tay ghế, bồn rửa mặt, nút nhấn xả nước của bồn cầu… cần được xịt khuẩn, vệ sinh sạch sẽ sau khi người bệnh khỏi bệnh.

Ở phần hai của chương trình, TS BS Lê Thị Thanh Thủy và TS.BS. Trịnh Thị Bích Huyền chia sẻ về thực trạng sức khỏe tâm thần của trẻ cùng những khuyến cáo giúp cha mẹ, người giám hộ có thể có những cách thức kịp thời để “tiêm phòng” giúp đỡ trẻ tìm lại được niềm vui với cuộc sống.

TS BS Thủy cho biết, tỷ lệ người tự tử của Nhật Bản đã giảm trong những năm gần đây nhưng số vụ tự tử ở lứa tuổi vị thành niên lại đang có xu hướng ngược lại. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, con số này đã tăng lên hằng năm kể từ năm 2016, và tăng đột biến vào năm 2020 với 499 vụ, tăng hơn 25% so với năm 2019. Các lý do chính khiến trẻ tự tử là kết quả học tập kém, không chắc chắn về nghề nghiệp, và các vấn đề gia đình, nhưng một số chuyên gia cho rằng đại dịch cũng là yếu tố đáng kể góp phần dẫn tới tình trạng này.

TS Thủy cho biết phát hiện sớm là một chiến lược quan trọng trong việc ngăn chặn thanh thiếu niên tự tử.  Hiện nay, hơn 70 trường THCS và THPT ở Nhật Bản đang sử dụng Công cụ sàng lọc tự tử dựa trên máy tính bảng có tên RAMPS, giúp giáo viên hoặc y tá trường học xác định các yếu tố nguy cơ ở học sinh. RAMPS có 11 câu hỏi về sức khỏe tâm thần phù hợp với giới trẻ, và mất khoảng 3 phút để kiểm tra.

Trong khi đó, Tiến sĩ Tanaka thuộc Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Phát triển Trẻ em Nhật Bản, khuyên thầy cô, cha mẹ, nhân viên y tế tại trường nên tuân theo 4 nguyên tắc chính, được viết tắt là “TALK” khi nghi một đứa trẻ có thể đang muốn tự tử hoặc đang phải gồng mình đương đầu với khó khăn. Trong đó:

  • T-Talk: Nói với trẻ rằng bạn quan tâm và lo lắng đến sức khỏe của trẻ
  • A – Ask: Hỏi trực tiếp xem trẻ có đang nghĩ đến việc tự tử không.
  • L – Listen: Lắng nghe và nhận ra tâm trạng của trẻ.
  • K – Keep: Giữ an toàn cho trẻ và tìm kiếm trợ giúp chuyên môn.

Về sức khỏe tâm thần của trẻ em Việt Nam, TS BS sức khỏe tâm thần Trịnh Thị Bích Huyền mở đầu chia sẻ bằng câu chuyện về một bé trai 13 tuổi có hoàn cảnh đặc biệt: bố mẹ đến với nhau là lần thứ 2, trước đó mẹ cháu có một con trai, và người con này cũng ở cùng gia đình. Tuy nhiên, bà ngoại cháu chỉ quan tâm đến anh trai, chứ không quan tâm đến cháu.

Khi mẹ bị suy thận phải thay thận trong bệnh viện 1 tháng, cháu ở nhà một mình với bố, học online. Cháu thích đá bóng nhưng dịch không ra ngoài. Tất cả những điều này khiến cháu có biểu hiện chán nản, kích động. Khi đến gặp bác sĩ, cháu chia sẻ rất lâu với bác sĩ. Có bé khi bị rối loạn tâm thần còn tự làm đau mình bằng việc dùng dao cắt tay, chân; nhưng may mà gia đình phát hiện kịp nên cấp cứu cho bé được kịp thời.

TS BS Huyền cho biết, trong quá trình làm việc bà gặp khá nhiều trẻ có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Phổ biến là các vấn đề trầm cảm, rối loạn lo âu, có các hành vi hủy hoạt bản thân, tự sát, nghiện game, những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường. Trong thời kỳ của đại dịch covid 19, tỉ lệ này càng tăng lên bởi những lý do như: trẻ ở trong các khu vực cách ly, không có sự tiếp xúc với môi trường bên ngoài, học online nhiều, không có các hoạt động thể dục thể thao; gia đình không quản lý được thời gian học tập của trẻ, trẻ có thể sử dụng các phương tiện điện tử thoải mái như máy tính điện thoại và vô tình nghiện các trò chơi online… Đặc biệt với những trẻ đã có vấn đề về sức khỏe tâm thần như tự kỷ, tăng động… thì việc cách ly thời kỳ dịch bệnh còn gây ảnh hưởng nhiều hơn. Khi mắc bệnh, trẻ có biểu hiện mất ngủ, đau đầu, rối loạn lo âu, trầm cảm, nặng hơn là muốn tự sát hoặc tìm cách tự sát.

Theo BS Huyền có 4 nguyên nhân gây ra các rối loạn tâm thần ở trẻ, bao gồm:

  • Nguyên nhân từ gia đình: bố mẹ và con chưa có tiếng nói chung; bố/ mẹ hoặc cả hai bố mẹ áp đặt con cái, kỳ vọng và tạo áp lực học hành cho con quá cao, khi không đạt được kết quả thì tỏ ra thất vọng, chì chiết, đánh mắng trẻ… mâu thuẫn trong gia đình, bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân….
  • Nhà trường: những mối quan hệ nhà trường như thầy cô, bạn bè, áp lực học tập thành tích của nhà trường, áp lực đi thi học sinh giỏi, đội tuyển, vấn đề về bạo lực học đường…
  • Xã hội: những mối quan hệ ngoài xã hội ảnh hưởng: ví dụ như hội nhóm, bạn bên ngoài trường lớp, rủ nhau dùng chất kích thích…
  • Bản thân trẻ: trẻ cũng có thể tự tạo áp lực cho mình, phải đạt được thành tích về học tập, hoặc do nhân cách yếu, dễ bị căng thẳng stress khi có sự cố…

Tiếp đó, BS Huyền chỉ ra cho người tham dự hội thảo các dấu hiệu nhận biết trẻ bị lo âu, trầm cảm, nghiện game, đặc biệt là trẻ có ý định tự sát, để cha mẹ/ người giám hộ có thể nhận biết và có những can thiệp kịp thời giúp đỡ trẻ.

Theo đó, trẻ có suy nghĩ tự sát thường có một số các biểu hiện sau: Trước đó trẻ có những biểu hiện của trầm cảm; Thường hay nhắc đến cái chết; Trẻ nói những câu như là: “cuộc sống chả có ý nghĩa gì”, hoặc “đám tang của mình sẽ ra sao nhỉ, bao nhiều người dự, bạn bè sẽ thế nào”, “Tôi muốn được ngủ một giấc ngủ dài và không bao giờ tỉnh lại”, “Mọi người vẫn sống tốt nếu không có tôi mà”, “Bố mẹ sẽ không phải lo lắng cho còn nhiều nữa đâu”… Có thể trẻ thể hiện những điều nay bằng cách viết nhật ký, thư để lại hoặc chia sẻ với bạn bè thân nhất của mình. Trẻ cũng có thể có biểu hiện như xin tiền để mua bán một thứ gì đó hoặc tìm hiểu về một loại thuốc ví dụ như thuốc an thần, hoặc nói về thuốc uống để chết…

Để phòng chống rối loạn tâm thần tuổi học đường, TS BS Huyền đưa ra các giải pháp dành cho cha mẹ, người giám hộ như sau:

  • Bố mẹ cần tạo mối quan hệ cởi mở với con, đồng hành cùng con, như là bạn bè với con. Tốt nhất là làm sao để con cái có thể chia sẻ chuyện vui buồn ở trường ở lớp với cha mẹ. Động viên con khi con có chuyện buồn ở lớp hay bạn bè, thành công hay thất bại nên chia sẻ với bố mẹ.
  • Kết thân với bạn bè của con. Nếu con bạn có bạn trai, bạn gái đó là bình thường, không cấm đoán con.
  • Tạo môi trường gia đình tốt cho trẻ, tránh xung đột, bạo lực gia đình.
  • Lắng nghe con, không quyết định thay con, mà đưa ra ý kiến và giúp con đưa ra quyết định đúng nhất.
  • Rèn luyện cho trẻ nhân cách mạnh mẽ, tránh tình trạng gọi dạ bảo vâng.

Trong phần hỏi đáp cuối chương trình, PGS. TS. BS.  Phạm Quang Thái, TS.BS. Trịnh Thị Bích Huyền đã giải đáp thắc mắc và tư vấn về tiêm phòng cũng như giải quyết những thắc mắc về sức khỏe tâm thần cho trẻ của nhiều phụ huynh.

Med Talks số hai – Hội thảo online: “Vắc-xin cho trẻ về thể chất và tinh thần” – nhận được sự đánh giá tích cực từ những người tham dự vì những chia sẻ giàu chuyên môn của các diễn giả.

Med Talks sẽ tiếp tục tổ chức đều đặn các số tiếp theo cách tuần vào tối thứ 5, với nhiều chủ để hữu ích cho Nhi Khoa, Nhãn khoa, Ung thư …v…v, mong muốn các kiến thức về Y – Dược- Tâm lý sẽ đến được với đông đảo người xem. Ngày 28/4 chương trình sẽ có câu chuyện về “Ung thư và tin đồn” với sự đồng hành của các diễn giả chất lượng đến từ trong và ngoài nước.

VH