Sự trỗi dậy của bệnh đậu mùa khỉ: Nguồn gốc virus và cách phòng tránh

Sự trỗi dậy của bệnh đậu mùa khỉ: Nguồn gốc virus và cách phòng tránh 1

Sự trỗi dậy của bệnh đậu mùa khỉ: Nguồn gốc virus và cách phòng tránh 2

Đậu mùa khỉ không phải một bệnh dịch mới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên ở những đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu vào năm 1958; Sau đó mới được phát hiện ở người vào năm 1970. Đây là bệnh lây nhiễm từ động vật do virus gây ra, có nghĩa là bệnh có thể lây lan từ động vật sang người và lây truyền giữa người với người.

Bệnh đậu mùa khỉ thường được ghi nhận ở Trung Phi và Tây Phi, nơi có nhiều rừng nhiệt đới và nơi các loài động vật có thể mang virus thường sinh sống. Các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ thỉnh thoảng cũng được ghi nhận ở các nước khác, do người nhiễm di chuyển từ các khu vực có bệnh đậu mùa khỉ lưu hành.

Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ghi nhận ngoài “lục địa đen” là ở Mỹ vào năm 2003, với tổng cộng 81 trường hợp nhiễm bệnh nhưng không gây tử vong. Năm 2017, một đợt bùng phát lớn được ghi nhận ở Nigeria với 172 trường hợp, 75% người bệnh là nam, tuổi từ 21 đến 40. Tuy nhiên, chưa năm nào, bệnh đậu mùa khỉ lại được ghi nhận ở nhiều nước phát triển tại châu Âu và châu Mỹ đến thế.

Tính từ đầu năm đến tháng 6/2022, trên toàn thế giới có gần 4.800 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận ở gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đứng đầu là Vương quốc Anh với hơn 1.000 trường hợp. Sự xuất hiện của virus đậu mùa khỉ tại những vùng không hề có dấu hiệu dịch tễ cho thấy, mầm bệnh đã âm thầm lây lan trong một khoảng thời gian.

Sự trỗi dậy của bệnh đậu mùa khỉ: Nguồn gốc virus và cách phòng tránh 3

Lý giải cho đợt bùng phát bất thường của đậu mùa khỉ, nhà dịch tễ học Jo Walker đến từ Trường Y tế Công cộng (Đại học Yale, Mỹ) cho hay, nguyên nhân có thể nằm ở “người họ hàng” của virus đậu mùa khỉ – virus đậu mùa. Trong quá khứ, đậu mùa từng là đại dịch thảm khốc hơn nhiều so với COVID-19. Bệnh đậu mùa do các chủng virus Variola gây ra, khiến bệnh nhân có triệu chứng sốt, phát ban, nổi mụn đỏ và thường qua đời trong vòng 8 – 16 ngày. Sau hàng thế kỷ, nhân loại đã tìm ra vaccine phòng bệnh đậu mùa, tiến tới xóa sổ căn bệnh này. Tuy nhiên, công tác tiêm phòng bệnh đậu mùa đã chấm dứt vào năm 1980, khiến những người dưới nhóm tuổi 40 – 50 hầu như chưa được tiêm phòng. Vì lý do đó, phần lớn dân số trên thế giới hiện nay không có kháng thể với virus đậu mùa cũng như đậu mùa khỉ. Walker nhận định: “Chúng ta đang ở trong giai đoạn mà tình trạng miễn dịch cộng đồng trước bệnh đậu mùa khỉ thấp nhất trong hàng nghìn năm qua.”

Sự trỗi dậy của bệnh đậu mùa khỉ: Nguồn gốc virus và cách phòng tránh 4

Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: Sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Ban thường bắt đầu với 1 đến 3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.

Sự trỗi dậy của bệnh đậu mùa khỉ: Nguồn gốc virus và cách phòng tránh 5

Triệu chứng điển hình thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị. So với bệnh đậu mùa, đậu mùa khỉ có vẻ ít nguy hiểm hơn rất nhiều. Tỷ lệ tử vong của đậu mùa từng là 30%, cho đến khi ngành y tế toàn cầu nỗ lực “xóa sổ” hoàn toàn dịch bệnh thảm khốc này vào năm 1980, nhờ vaccine. Trong khi đó, đậu mùa khỉ có tỷ lệ tử vong ước tính 1%. Phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, trẻ em và người có suy giảm miễn dịch đối mặt với nguy cơ gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ. Biến chứng ở các ca bệnh đậu mùa khỉ nặng bao gồm: Nhiễm trùng da, viêm phổi và nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác.

Theo cảnh báo của WHO, trong thực tế, tỷ lệ tử vong do đậu mùa khỉ có thể cao hơn, do hoạt động giám sát và trình độ y tế ở khu vực lưu hành bệnh này còn hạn chế. Có thể thấy, tất cả các bệnh dịch đều ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến đối tượng yếu thế là người dân ở các nước nghèo, trẻ em, người mắc bệnh lý nền. Nhưng phải đến khi bệnh bùng phát mạnh mẽ tại các nước thu nhập cao, khiến hơn 4.000 người mắc bệnh và 1 ca tử vong, cộng đồng quốc tế mới chú ý và hành động. Nhiều quốc gia chạy đua phát triển, tìm kiếm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Trong khi đó, đến 17/6/2022, châu Phi đã ghi nhận gần 1.600 ca mắc đậu mùa khỉ, khiến 66 người tử vong.

Phát biểu họp báo ngày 29/6, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại trước tình trạng virus vẫn đang phát triển và có thể ảnh hưởng đến những nhóm nguy cơ cao. Hiện WHO nhận định, bệnh đậu mùa khỉ chưa phải là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu – mức độ cảnh báo cao nhất của tổ chức này.

Sự trỗi dậy của bệnh đậu mùa khỉ: Nguồn gốc virus và cách phòng tránh 6

Thế nhưng, bệnh đậu mùa khỉ đang được truyền thông theo kịch bản có phần tương đồng với “căn bệnh thế kỷ” HIV/AIDS. Nhiều tờ báo khẳng định, dịch bệnh lây lan chủ yếu ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới, dẫn chứng bằng những con số sốc như “99% người mắc đậu mùa khỉ là người đồng tính nam”. Trong khi đó, con đường lây truyền của virus đậu mùa khỉ được chứng minh là: Thứ nhất, lây từ động vật sang người qua chăm sóc, tiếp xúc trực tiếp, giết mổ, chế biến hoặc thậm chí là ăn những sản phẩm từ những động vật đã bị nhiễm virus trước đó; Thứ hai, tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch, nốt phẳng hoặc các dịch tiết của cơ thể qua những giọt bắn hoặc vật dụng mà người bị nhiễm đã sử dụng như chăn ga gối đệm, bát đũa… Điều đó có nghĩa là, đậu mùa khỉ không phải bệnh lây qua đường tình dục, và cũng không phải một căn bệnh chỉ thấy ở cộng đồng LGBT.

TS.BS Trần Văn Giang – Phó trưởng Khoa Virus – Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết trong chương trình Sống mới của VTV: “Việc phòng chống bệnh đậu mùa khỉ này không chỉ ở nhóm đồng tính nam mà cần có sự chung tay của tất cả mọi người. Ai cũng có thể bị và ai cũng có thể liên quan đến vấn đề này. Nếu mà chúng ta chỉ tập trung vào nhóm đồng tính nam thì chắc chắn chưa đủ để phòng bệnh, tránh tình trạng mọi người kỳ thị nhóm này thì hoàn toàn không đúng”.

Sự trỗi dậy của bệnh đậu mùa khỉ: Nguồn gốc virus và cách phòng tránh 7