Review cuốn sách “Toát yếu Đông dược diễn ca”

Góc giới thiệu sách: Toát yếu Đông dược diễn ca – Một cuốn sách quan trọng, cần thiết đối với những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu về Y học cổ truyền (YHCT)

Cuốn sách này mình đã đặt mua cách đây hơn gần 1 năm và đã nhiều lần giới thiệu cho một số bạn bè thân quen. Nhân tiện có bạn đang muốn tìm hiểu và lý giải về Thần nông bản thảo kinh, nên mình cũng muốn giới thiệu cuốn sách này đến với mọi người như một tài liệu tham khảo quan trọng khi học tập, nghiên cứu YHCT.

Cuốn sách "Toát yếu Đông dược diễn ca"
Cuốn sách “Toát yếu Đông dược diễn ca”

Cá nhân nhận định Cuốn sách có một số ưu điểm sau:

1. Về mặt nội dung:

Tôi xin được trích dẫn Lời giới thiệu của các tác giả như sau:

“Sách Toát yếu Đông dược diễn ca chứa đựng những tinh hoa của kiến thức khoa học về Đông dược, được đúc kết từ kinh nghiệm quý báu của nền Y học cổ truyền Việt Nam và kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học về dược liệu. Nội dung cuốn sách được diễn đạt dưới dạng văn vần như một bản trường ca, bao gồm:

+ 6.202 câu thơ liên hoàn về vần, điệu thể lục bát, viết về gần 400 vị thuốc, được sắp xếp thành 16 phần theo tác dụng chữa bệnh của Đông Dược và 01 phần về sự cấm kỵ khi dùng thuốc;

+ Mỗi vị thuốc được biên soạn đầy đủ thông tin từ tên gọi, tên khác, tính vị, quy kinh, công năng chủ trị đến kiêng kỵ (nếu có) và được trình bày bằng một bài văn vần dài, ngắn khác nhau” (Hết trích)
Như vậy nội dung của Cuốn sách phong phú vượt trội hơn hẳn so với “Dược tính ca quát tứ bách vị” của Cung Đình Hiền (thời Minh) – một trong tứ tiểu kinh điển, đơn cử như ghi chép về vị thuốc Sinh khương:

* Dược tính ca quát tứ bách vị (Người viết chữ Hán và dịch nghĩa: Lương y Trần Văn Quảng):

“Tính ôn ấy vị Sinh khương
Thần minh thông sướng mọi đường đều thông
Chứng ho nôn mửa cảm phong
Ôn trung khai vị thì dùng rất hay”.

* Toát yếu Đông dược diễn ca:

“Sinh khương thân rễ cây gừng
Vị cay, hơi ấm, ôn trung diệu kỳ .
Vào ba kinh Phế, Vị, Tỳ
Tùy ích bào chế tên khác nhau
Bào, can, thán, ổi khác màu
Tán hàn, phát biểu rất mau liệu dùng
Thông mạch, khai khiếu, trừ phong
Hồi dương, cứu nghịch, ôn trung, hạ đàm
Say xe, bụng trướng, nôn càn
Phù thũng, thương tích, Tỳ an, Vị bền
Khai vị hay tựa “thuốc tiên”
Dùng vừa thì tốt, bị phiền đừng tham”.

2. Về hàm lượng học thuật:

Các tác giả đã tham khảo 21 tài liệu quan trọng liên quan đến Đông dược, tiêu biểu kể đến có: Dược điển Việt Nam; Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi); Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi); Dược điển Trung Quốc, Thần nông bản thảo kinh. Với những tài liệu quan trọng như vậy, người học có thể tiếp cận từng vị thuốc dưới góc nhìn của YHCT lẫn dược lý hiện đại.

Độc giả Hoai Van