Phòng ngừa viêm gan cấp không rõ nguyên nhân ở trẻ: Phụ huynh nên làm gì?

Hiện đã có hơn 200 trẻ em ở nhiều nước trên thế giới bị viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân khiến không ít phụ huynh lo ngại nên làm gì để phòng ngừa để loại bệnh này.

Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân ở trẻ

Trong vài tháng qua, trên thế giới xuất hiện nhiều ca viêm gan cấp ở trẻ nhỏ không có những nguyên nhân giống như thông thường. Thậm chí, nhiều trường hợp trở nặng và tử vong.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện đã có 228 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân được ghi nhận tại khoảng 20 nước ở châu Âu, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương… khiến ít nhất 17 bệnh nhi phải ghép gan, 4 trẻ tử vong.

Các nước đã ghi nhận ca bệnh viêm gan nặng không rõ nguyên nhân ở trẻ em - Ảnh: New York Post.
Các nước đã ghi nhận ca bệnh viêm gan nặng không rõ nguyên nhân ở trẻ em – Ảnh: New York Post.

Mới đây, quốc gia tại Đông Nam Á là Indonesia vừa thông báo có thêm 3 ca mất do căn bệnh trên, nâng tổng số ca tử vong lên 4 người.

Hầu hết các trường hợp báo cáo các triệu chứng tiêu hóa bao gồm đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa, sau đó là bắt đầu vàng da. Một số trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Adeno, thường gây cảm lạnh. Trong khi đó, những trẻ khác bị nhiễm COVID-19. Hầu hết các trường hợp không bị sốt, xét nghiệm xác định men gan tăng cao. Các xét nghiệm viêm gan A, B, C, D và E đều cho kết quả âm tính.

Phụ huynh cần làm gì?

Tình hình trên khiến không ít phụ huynh lo ngại về loại bệnh viêm gan do virus “bí ẩn” gây ra. Theo các chuyên gia, biểu hiện của viêm gan do virus Adeno hay A,B,C,D… gây ra đều là nôn ói, đau bụng, mệt mỏi, ăn không tiêu. Trước tình hình hiện tại, phụ huynh cần phòng bệnh thay vì hoang mang.

Virus Adeno xâm nhập qua đường tiêu hóa, tiếp xúc và hô hấp, do đó, khẩu trang và rửa tay vẫn là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Trẻ nên tránh tiếp xúc với người bị bệnh, che miệng khi ho hay hắt hơi, tránh chạm vào mắt, mũi, miệng.

Cha mẹ và người giám hộ nên cảnh giác với các dấu hiệu của bệnh viêm gan (bao gồm cả vàng da) và đưa trẻ đến gặp bác sỹ ngay lập tức. Khi thấy trẻ có biểu hiện vàng da, phụ huynh nên đưa trẻ tới bệnh viện để được các bác sỹ sẽ tiến hành xét nghiệm:

– Adenovirus (trên mẫu máu, phân và đường hô hấp)

– Các virus liên quan như: Viêm gan A, B, C, E; cytomegalovirus (CMV), virus Epstein-Barr (EBV), parvovirus…

– Nhiễm virus SARS-CoV2

Trẻ em bị viêm gan cấp tính không nên đến trường học trong 1 tuần sau khi bắt đầu bị vàng da cho đến khi trẻ khỏe lại. Trẻ có các triệu chứng tiêu hóa không nên đến nơi giữ trẻ hoặc trường học cho đến 48 giờ sau khi các triệu chứng đã khỏi.

Các biện pháp vệ sinh thông thường như rửa tay kỹ lưỡng và vệ sinh đường hô hấp sạch sẽ cũng giúp giảm thiểu sự lây lan của nhiều bệnh nhiễm trùng do virus.

Tại Mỹ cũng đưa ra khuyến cáo biện pháp phòng tránh tương tự với COVID-19 như: Rửa tay thường xuyên, tránh chạm tay vào mặt, giữ khoảng cách, ở nhà, không đến trường khi có triệu chứng (vàng da, vàng mắt…).

Tại Việt Nam, Cục y tế dự phòng – Bộ Y tế, đang triển khai chủ động theo dõi sát sao và có biện pháp đáp ứng nhanh khi có ca bệnh xâm nhập. Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ.

Link gốc: https://suckhoecong.vn/phong-ngua-viem-gan-khong-ro-nguyen-nhan-o-tre-phu-huynh-nen-lam-gi-d80102.html