Nên làm gì khi bị sốt xuất huyết

Hiện nay, số ca nhiễm sốt xuất huyết liên tục tăng. Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt phòng, chống. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn chuẩn bị tâm lý và kiến thức cần thiết để đối phó với dịch bệnh này.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết Dengue (Dengue Hemorrhagic Fever, DHF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn mang virus gây bệnh (giống muỗi Aedes aegypti). Tại Việt Nam thường được gọi chung là bệnh sốt xuất huyết.

Bệnh thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa, chủ yếu tập trung tại những khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo, nhiều ao nước đọng. Đây là môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi và phát triển của muỗi.

Sốt xuất huyết Dengue gây ra các triệu chứng giống như cúm và kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Sốt xuất huyết Dengue thường xảy ra sau thời gian ủ bệnh từ 4-10 ngày sau khi người bệnh bị muỗi mang mầm bệnh đốt.

Các triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue

Bệnh sốt xuất huyết thể hiện qua triệu chứng điển hình là sốt cao (40 độ C). Bên cạnh đấy thường kèm theo ít nhất 2 triệu chứng sau: Đau đầu; Đau hốc mắt; Buồn nôn hoặc nôn mửa; Nổi hạch; Đau cơ, xương hoặc khớp; Phát ban.

Nên làm gì khi nghi ngờ bản thân mắc sốt xuất huyết Dengue

Khi nghi ngờ bản thân mắc sốt xuất huyết, bạn cần đến khám bác sĩ ngay lập tức. Bác sỹ sẽ đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng của bạn, có thể xét nghiệm máu, kiểm tra virus sốt xuất huyết hoặc xem xét lịch sử y tế và di chuyển của bạn.

Nếu bạn bỏ qua giai đoạn điều trị sớm, thuận lợi nhất của bệnh sốt xuất huyết thì bệnh sẽ trở nặng.

Bạn hãy nhớ thông báo với bác sĩ nếu bạn đã đến những vùng có bệnh sốt xuất huyết Dengue lưu hành trong 2 tuần trước đó.

Cách điều trị sốt xuất huyết Dengue

Hiện nay chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết Dengue. Chủ yếu là điều trị triệu chứng. Thời gian điều trị từ 7-10 ngày tính từ ngày sốt đầu tiên.

Người bệnh có thể điều trị tại nhà sau khi được Bác sĩ chuyên khoa khám, xét nghiệm và tư vấn kỹ kế hoạch điều trị, theo dõi và chăm sóc người bệnh ngoại trú cho người bệnh và thân nhân hiểu rõ.

Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh..) hoặc nước cháo loãng với muối.

Khi người bệnh sốt: Lau người bằng nước ấm, uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ. Tuyệt đối không dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để điều trị sốt bởi vì các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

Khi được chăm sóc y khoa đúng cách và phát hiện sớm, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết Dengue thấp dưới 1%. Tuy vậy, nhìn chung khi mắc bệnh,người bệnh sẽ rất mệt và cảm giác rất khó chịu.

Link nguồn: https://suckhoecong.vn/nen-lam-gi-khi-bi-sot-xuat-huyet-d81032.html