Hội thảo trực tuyến “Nâng cao chất lượng giấc ngủ cùng phương pháp Stanford”

Từ 20h30-22h30 ngày 6/1/2022 đã diễn ra Hội thảo trực tuyến “Nâng cao chất lượng giấc ngủ cùng phương pháp Stanford” do MedInsights tổ chức với sự tham gia của Giáo sư, TSKH Dương Quý Sỹ (Chủ tịch Liên đoàn Y học Giấc ngủ ASEAN, Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam và Hiệu trưởng trường CĐYT Lâm Đồng); Ths. Bs Bùi Diễm Khuê (Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM;  Bác sĩ Đơn vị Rối loạn giấc ngủ, Khoa Thăm dò chức năng, BV Đại học Y Dược TP.HCM ; Phó Tổng thư ký Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam); và BSCKI Hoàng Châu Bảo Đính (Giảng viên Trung tâm đào tạo & Trị liệu kỹ thuật cao, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch & Tổng Thư ký Chi hội mất ngủ Việt Nam).

Các kết quả nghiên cứu khoa học trong nhiều năm gần đây đã chỉ rõ tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe, sự minh mẫn, hiệu suất làm việc cũng như tuổi thọ của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó rối loạn giấc ngủ cũng là căn bệnh có dấu hiệu gia tăng và trở nên thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở người trưởng thành trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Hiểu rõ điều đó, MEDINSIGHTS – Thương hiệu Xuất bản Sách và Tri thức Y học thuộc Alpha Books, với mục tiêu cung cấp tri thức y học hiện đại, uy tín, hữu ích cho cộng đồng quyết định tổ chức Talkshow “Nâng cao chất lượng giấc ngủ cùng Phương pháp Stanford”, với mong muốn hỗ trợ một cách tốt nhất cho độc giả cũng như các sinh viên ngành y hoặc người làm chuyên môn quan tâm đến vấn đề này.

Chia sẻ tại chương trình, GS Dương Quý Sỹ đã chỉ ra tầm quan trọng cũng như ảnh hưởng của giấc ngủ đối với chất lượng cuộc sống của con người; thực trạng căn bệnh rối loạn giấc ngủ tại Việt Nam.

Giáo sư, TSKH Dương Quý Sỹ chia sẻ tại chương trình

Theo Giáo sư Dương Quý Sỹ, giấc ngủ có vai trò quan trọng trong đời sống con người. Trong đó trẻ em cần được ngủ từ 11-14 tiếng một ngày; con số này ở người trưởng thành là 8 đến 9 tiếng; người cao tuổi cũng cần ngủ được khoảng 7 tiếng một ngày. Việc đảm bảo được giấc ngủ sẽ giúp mỗi người khỏe mạnh hơn, tinh thần sáng suốt, làm việc hiệu quả hơn.

Giáo sư Dương Quý Sỹ cho biết, giấc ngủ có vai trò quan trọng trong việc hình thành ký ức, tăng cường khả năng ghi nhớ nhận thức. Nếu ngủ không đủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém, thì trẻ em sẽ có chất lượng học tập, ghi nhớ thấp; người trưởng thành cũng bị giảm sút trí nhớ; người cao tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh Alzeimer.

Tiếp đó GS Dương Quý Sỹ cũng nhấn mạnh vai trò của giấc ngủ trong việc điều hòa các chức năng của cơ thể, giúp tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Với phụ nữ nói riêng, giấc ngủ đặc biệt quan trọng vì đây là thời gian cơ thể sản sinh ra collagen tốt cho da và tóc…  Điều đáng nói, theo GS Dương Quý Sỹ, tình trạng rối loạn giấc ngủ ở người Việt Nam khá cao, trong đó có tới 30% người trưởng thành mắc căn bệnh này

Ths. Bs Bùi Diễm Khuê chia sẻ tại chương trình

Ths. Bs Bùi Diễm Khuê, và BSCKI Hoàng Châu Bảo Đính chia sẻ với người tham gia chương trình về những căn bệnh rối loạn giấc ngủ cụ thể, các phương pháp chữa trị và giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ hiệu quả.

Bên cạnh những phương pháp như dùng thuốc Tây y, thuốc Y học cổ truyền hoặc các phương pháp tự nhiên như thiền, tập yoga, các diễn giả tham gia chương trình cũng giới thiệu phương pháp nâng cao chất lượng giấc ngủ theo phương pháp Stanford.

Xuất phát từ Viện Nghiên cứu về giấc ngủ Stanford được coi là viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực này, ngủ ngon theo phương pháp Stanford được Nishino Seiji – GS Bệnh học tâm thần Đại học Stanford, Giám đốc Phòng Sinh học thần kinh về Giấc ngủ và Nhịp điệu sinh học – nghiên cứu và tổng kết trong hơn 30 năm qua. Được kiểm chứng khoa học, phương pháp này có thể giúp mỗi người ngủ ngon hơn, “thức dậy mạnh mẽ”, có một ngày làm việc hiệu quả hơn, chất lượng cuộc sống trở nên tốt hơn.

Sau khi công bố chương trình nghiên cứu trên các tờ báo tạp chí, khoa học chuyên ngành, GS Nishino Seiji đã viết cuốn sách “Ngủ ngon cùng phương pháp Stanford” cung cấp những cho độc giả những kiểm chứng khoa học mới nhất về những “bí ẩn của giấc ngủ”, từ đó ông đưa ra hướng dẫn dễ hiểu về phương pháp ngủ ngon khoa học và tiên tiến của Stanford với những chỉ dẫn chi tiết điều chỉnh thói quen từ lúc thức dậy vào buổi sáng đến khi đi ngủ vào buổi tối.

“Giấc ngủ là đồng minh mạnh nhất, đồng thời cũng là đối thủ đáng sợ nhất khi trở mặt thành thù. Chất lượng cuộc sống của bạn có thể thay đổi rất lớn tùy thuộc vào việc bạn biến giấc ngủ thành kẻ thù hay đồng minh”. Đây là kết luận của GS Nishino Seiji qua nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực này.

BSCKI Hoàng Châu Bảo Đính chia sẻ tại chương trình

Nhận xét riêng về phương pháp nâng cao giấc ngủ Stanford, BSCKI Hoàng Châu Bảo Đính cho biết: Khi nói về giấc ngủ, Giáo sư Nishino Seiji cho rằng điều quan trọng hơn là “chất” chứ không phải “lượng”. Trong đó, 90 phút đầu tiên của giấc ngủ là quan trọng nhất. Chỉ cần chất lượng của 90 phút đầu tốt thì phần còn lại của giấc ngủ sẽ cải thiện theo tỷ lệ thuận. Vì vậy phương pháp này đặc biệt hữu ích với những người có áp lực công việc lớn, hoặc những người thường xuyên phải làm ca kíp, trực đêm như đội ngũ công an, bộ đội, bác sĩ, công nhân… Những người này khó đảm bảo được việc ngủ đủ giờ vào ban đêm như đa phần những người khác; nhưng nếu áp dụng phương pháp nâng cao giấc ngủ Stanford họ vẫn có thể đảm bảo được chất lượng giấc ngủ của mình.

Tại phần cuối của chương trình, các diễn giả đã dành thời gian trả lời các câu hỏi và giao lưu cùng khán giả.

Hội thảo “Nâng cao chất lượng giấc ngủ cùng phương pháp Stanford” với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành bao gồm: Giáo sư, TSKH Dương Quý Sỹ (Chủ tịch Liên đoàn Y học Giấc ngủ ASEAN, Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam và Hiệu trưởng trường CĐYT Lâm Đồng); Ths. Bs Bùi Diễm Khuê (Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM;  Bác sĩ Đơn vị Rối loạn giấc ngủ, Khoa Thăm dò chức năng, BV Đại học Y Dược TP.HCM ; Phó Tổng thư ký Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam); và BSCKI Hoàng Châu Bảo Đính (Giảng viên Trung tâm đào tạo & Trị liệu kỹ thuật cao, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch & Tổng Thư ký Chi hội mất ngủ Việt Nam) đã cung cấp cho người tham gia nhiều kiến thức hữu ích để nâng cao chất lượng giấc ngủ, chất lượng cuộc sống của bản thân.