Họa đồ thương hàn luận

Thương hàn luận là một trong Tứ đại kinh điển trong Y học cổ truyền, được lưu truyền hàng ngàn năm cùng với Hoàng đế nội kinh, Thần Nông bản thảo kinh, Nạn kinh. Tại Trung Quốc, Thương hàn luận đã trở thành một ngành học quan trọng, được đưa vào giảng dạy trong các cấp học, từ trình độ đại học cho đến trình độ tiến sĩ. So với với công tác nghiên cứu, giảng dạy Y học cổ truyền trong nước hiện tại thì giáo trình giảng dạy, các nghiên cứu cũng như các tài liệu tham khảo trong học tập “Thương hàn luận” vẫn còn khá khiêm tốn.

Năm 2016, khi sang Trung Quốc học tập, trong quá trình tra cứu tài liệu tham khảo, tôi tình cờ đọc được cuốn Họa đồ Thương hàn luận (图说伤寒论) do Giáo sư Lý Tái Mỹ chủ biên. Có thể nói đây là cuốn sách tham khảo vô cùng hữu ích, giúp người học có một phương thức tiếp cận với “Thương hàn luận” dễ dàng hơn. Trong quá trình giảng dạy “Thương hàn luận”, tôi lại càng cảm nhận rõ giá trị của cuốn sách. Một số bảng biểu trong sách này đã được tôi đưa vào bài giảng và nhận được những phản hồi tích cực từ phía học viên. Với mong muốn giúp người học tại Việt Nam có thêm tài liệu tham khảo khi học tập, nghiên cứu Y học cổ truyền, tôi đã làm việc với Công ty Cổ phần Sách Alpha để tiến hành mua bản quyền từ Nhà xuất bản Vệ sinh nhân dân, phục vụ công tác dịch thuật, xuất bản theo đúng quy định.

Thương hàn luận

Phần lớn ưu điểm của cuốn sách đã được Ban biên soạn đề cập trong Lời nói đầu. Song dưới góc nhìn của một người nghiên cứu, giảng dạy và dịch thuật, tôi xin được trình bày một số chú ý khi đọc cuốn sách này:

  1. Đối với nguyên văn trong sách, tôi chỉ để phần dịch nghĩa với nội dung hoàn toàn giống cuốn Thương hàn luận do tôi và đồng sự biên dịch, xuất bản đầu năm 2022, phần nguyên văn chữ Hán và phiên âm đã được lược bỏ. 
  2. Chương 1 – So sánh các nhóm chứng hậu: Ban biên soạn đã chọn lựa những chứng hậu mang tính tiêu biểu nhất theo quan điểm của họ. Với khoảng hơn 40 bài thuốc được đề cập trong tổng số 113 bài thuốc của Thương hàn luận thì cuốn sách phần nào chưa thể bao quát hết toàn bộ nội dung tác phẩm. Tuy vậy, đây cũng là không gian cũng như cơ hội để người học và nghiên cứu tại Việt Nam có thể bổ sung, hoàn thiện.
  3. Chương 2 – Minh họa y án kinh điển với 16 bệnh án, phần lớn lấy trong sách Kinh phương thực nghiệm lục của danh y Tào Dĩnh Phủ (1866 – 1938). Đặc điểm của các bệnh án thời này tương đối giản lược, ghi chép những điểm chính thu thập trong quá trình khám chữa bệnh. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan, không nên dùng tư duy làm bệnh án hiện đại để áp đặt cho bệnh án xưa. Ngoài ra, những y án này là ví dụ minh họa, các bài thuốc đưa ra căn cứ theo tư duy biện chứng của tác giả, người học cũng cần tránh áp dụng một cách rập khuôn cho thực tế lâm sàng hiện tại.

Hi vọng rằng những chú ý nhỏ này sẽ giúp độc giả có thêm thuận lợi và gặt hái được nhiều kiến thức. Sau khi xuất bản cuốn Họa đồ Thương hàn luận (图说伤寒论), tôi sẽ tiếp tục tiến hành dịch thuật cuốn Họa đồ Kim quỹ yếu lược (图说金匮要略), rất mong nhận được sự góp ý và ủng hộ của quý độc giả.