Điều gì giải thích cho những tổn thương liên quan đến vắc – xin?

Mặc dù đã trải qua rất nhiều tầng kiểm soát và xác nhận độ an toàn, những tổn thương liên quan đến vắc-xin vẫn xảy ra. Phần lớn các phản ứng do vắc-xin thực ra không phải là tổn thương thực sự, chỉ xảy ra ở mức nhẹ và trong khoảng thời gian ngắn. Thông thường, ở khu vực được tiêm sẽ có chút đau đớn hoặc đôi lúc là sưng tấy. Một số người bị sốt, đau cơ hay phát ban cục bộ xung quanh vùng da. Các phản ứng này có thể xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi tiêm chủng hay vài tuần sau đó. Các nốt phát ban có thể trông như nốt sởi hoặc thủy đậu. Mũi DTaP nhắc lại lần thứ năm, được tiêm vào lúc 5 tuổi, rất đau và có thể gây sưng to hay tấy đỏ ở chỗ tiêm.

Mũi DTaP nhắc lại lần thứ năm, được tiêm vào lúc 5 tuổi, rất đau và có thể gây sưng to hay tấy đỏ ở chỗ tiêm

Nhưng những phản ứng nhẹ như vậy không phải là thứ ngăn cản người ta tiêm chủng cho bản thân và con cái. Thứ đang được nói đến là những phản ứng mạnh, cả thật lẫn được tưởng tượng ra. Đúng là có thể có những cơn sốt cao và thậm chí cả những cơn co giật toàn thể khi tiêm chủng. Nhưng vắc-xin không hề gây ra tự kỷ. Chấm hết. Tôi đã nghe và đọc những câu chuyện về việc vắc-xin gây ra SIDS (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh), đa xơ cứng rải rác, hen suyễn và tiểu đường type 1. Một luận điểm rất không liên quan. Nên nhớ rằng vắc-xin được tiêm nhiều vào năm đầu đời. Phần lớn các căn bệnh kể trên, đặc biệt là SIDS, hen suyễn, tự kỷ và thậm chí là cả tiểu đường type 1, có thể xuất hiện trong những tháng hoặc năm đầu đời của trẻ. Tự kỷ thường được chẩn đoán trong khoảng thời gian từ một đến hai tuổi, lúc trẻ được tiêm vắc-xin MMR. Việc chẩn đoán tự kỷ vào khoảng thời gian loại vắc-xin này được tiêm chỉ là sự tình cờ. Tất cả chỉ có vậy. Tôi đã nghe nói về các bậc cha mẹ từ chối hoặc trì hoãn tiêm chủng cho con cái họ bởi quan niệm vắc-xin gây ra những căn bệnh mà đáng ra chúng mang lại sự bảo vệ, cũng như chứng tự kỷ. Sự phỏng đoán về tự kỷ bắt nguồn từ bài báo của Andrew Wakefield trên The Lancet được phát hành vào năm 1998. Như tôi đã kể chi tiết ở phần trước, sau này người ta đã phát hiện ra rằng bài báo đó chỉ là một sự lừa gạt và nó đã bị xóa bỏ khỏi các bản lưu điện tử của tạp chí này.

Tuy nhiên, vắc-xin thực sự vẫn có thể gây ra các phản ứng phụ có hại thực sự và khủng khiếp. Tử vong liên quan đến vắc-xin có thể xảy ra và không thể đoán trước. Vắc-xin có thể gây ra viêm não và sốc phản vệ nghiêm trọng (các phản ứng dị ứng đe dọa đến tính mạng). Chương trình VAERS (Hệ thống Báo cáo Phản ứng Có hại của Vắc-xin) lưu giữ ghi chép về các sự kiện này. Tuy vậy, các con số mới phản ánh câu chuyện thực sự. Kể từ năm 1988, đã có khoảng 15.000 trường hợp được báo cáo trong chương trình. Hãy cứ cho rằng toàn bộ những người khiếu nại này đều thấy thỏa đáng khi nghĩ rằng việc tiêm chủng gây hại cho con của họ. Chúng ta có một vài con số khác: Mỗi năm có khoảng 4 triệu em bé được sinh ra. Trong năm đầu đời, một em bé được tiêm từ 18 cho tới 22 mũi tiêm chủng khác nhau, nhiều mũi trong số đó có chứa tối đa tới ba loại vắc-xin (ví dụ, DTaP có chứa ba loại vắc-xin – bạch hầu, uốn ván và ho gà). Trong một năm, các em bé từ 0 đến 12 tháng tuổi nhận được tổng cộng 80 triệu mũi tiêm phòng. Các em bé từ 2 đến 10 tuổi nhận thêm tổng cộng 16 triệu mũi tiêm nữa. Và con số đó là chưa bao gồm vắc-xin cúm mùa. Nói cách khác, từ năm 1988 đến 2016, mỗi nhóm trẻ từ 0 đến 10 tuổi mỗi năm nhận được tổng cộng 120 triệu mũi tiêm. Tổng cộng, những trẻ em sinh ra trong khoảng thời gian từ 1988 đến 2006 nhận không dưới 3,36 tỷ mũi tiêm. Có 15.000 báo cáo về tác hại của vắc-xin. Giả sử tất cả các báo cáo này là chính xác, thì tỷ lệ xảy ra phản ứng có hại có thể báo cáo của các mũi tiêm chủng chỉ là 0,0000004%.

(Trích từ cuốn sách “Hoang mang – Chỉ dẫn của bác sĩ để hiểu rõ đúng sai” – Bs. Nina Shapiro & Kristin Loberg)