Cách bảo vệ bản thân khỏi những thói quen xấu

Trong cuốn sách “Đừng ốm : Bí quyết sống khỏe trong thế giới đầy rẫy mầm bệnh” các tác giả đã chia sẻ cho chúng ta biết về các cách để bảo vệ bản thân khỏi những thói quen xấu hằng ngày.

Đừng ốm : Bí quyết sống khỏe trong thế giới đầy rẫy mầm bệnh

Hơn bất cứ điều gì khác, chính những thói quen hằng ngày có thể giúp bạn củng cố hay làm suy yếu hệ miễn dịch của bản thân. Bác sĩ Andrew Eisenberg – bác sĩ gia đình và chuyên gia tư vấn sức khỏe của nhóm phi lợi nhuận Hiệp hội Phòng chống cúm Gia đình tại Sarasota, Florida, chia sẻ: “Tôi đã ở cạnh những người ốm rất nặng, thậm chí mắc cả cúm lợn, nhưng tôi vẫn khỏe mạnh bình thường. Tôi tin rằng chính hành vi của mình đã giúp bảo vệ bản thân không bị nhiễm bệnh.”

Những việc bạn làm – hoặc không – trong ngày có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, dẫn đến bị cúm hay nhiễm khuẩn thường xuyên, hay chỉ đơn giản là cảm giác mệt mỏi. Tin tốt là, bằng cách loại bỏ những thói quen xấu, bạn có rất nhiều cách để tăng cường sức đề kháng của bản thân.

Chạm tay lên mặt hay cắn móng tay

Trong số những nơi mang mầm bệnh mà chúng ta thường xuyên phải tiếp xúc, hai nơi tệ nhất đều nằm trong tầm tay của bạn. “Chúng ta thường có thói quen để tay vào những nơi không nên để,” theo bác sĩ Eisenberg. “Bạn không thể nhận ra lượng vi khuẩn chúng ta chạm vào, đơn giản là vì bạn không thể nhìn thấy chúng.” Và chúng ta cũng thường xuyên chạm tay lên mặt: một nghiên cứu tại Đại học California, Berkeley, đã chỉ ra rằng cứ bốn phút một lần, chúng ta lại chạm vào mũi, mắt, môi của chính mình.

Tại sao điều đó lại không tốt? Mang hàng tá vi sinh vật trên tay cùng với thói quen đưa tay lên mặt đồng nghĩa với việc đưa chính những vi khuẩn và virus đó đến nơi chúng muốn đến và khiến bạn nhiễm bệnh. “Tất cả những ngõ vào đều ở đó,” bác sĩ Eisenberg chỉ ra. “Thực tế, con đường chính để lây nhiễm cúm là qua mắt và mũi.”

Làm thế nào để cải thiện. Bạn cần bỏ ngay thói quen gãi và ngoáy mũi, cũng như thói quen dụi mắt hay lật mở mí mắt và lông mi. Cắn móng tay cũng là thói quen xấu vì đó không là cách đưa mầm bệnh vào trong miệng, mà qua đó, bạn còn đưa tay lên mặt, mang đến nguy cơ truyền vi khuẩn vào mắt và mũi.

Để tập thói quen giữ tay thấp hơn cằm, bạn có thể thử cách có phần hơi đau đớn này một chút: đeo dây chun quanh cổ tay và kéo để dây đập vào tay mỗi lần bạn chạm tay lên mắt. Đây là một cách tạo phản xạ tiêu cực để bản thân không còn chọc, ngoáy mũi hay chạm tay lên mặt nói chung.

Để bỏ thói quen cắn móng tay, Mayo Clinic đề xuất nên thường xuyên cắt tỉa và mài dũa móng tay. Bạn cũng có thể sơn móng tay đặc biệt có vị đắng để tự nhắc nhở bản thân không đưa ngón tay vào miệng.

Nếu bạn vẫn không thể giữ tay cách xa mặt mình, việc tốt nhất tiếp theo mà bạn có thể làm là giảm lượng vi sinh vật bằng cách rửa tay thường xuyên. Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) khuyến nghị rửa tay bằng xà phòng và nước ấm trong vòng ít nhất 20 giây. Rửa sạch xà phòng rồi lau khô bằng khăn giấy hoặc dùng máy sấy.

Không ngủ đủ

Đôi khi bị mất ngủ cũng không gây ảnh hưởng quá nhiều đến hệ miễn dịch của bạn. Tuy vậy, hãy cẩn trọng với chứng mất ngủ kinh niên hay thường xuyên ngủ không đủ giấc, vì chúng chắc chắn sẽ làm bạn dễ dàng mắc các bệnh truyền nhiễm hơn. Khi không muốn mắc bệnh, tốt nhất bạn nên nghỉ ngơi nhiều hơn.

Tại sao điều đó lại không tốt? Cơ sở khoa học rất rõ ràng: việc thiếu ngủ làm suy giảm chức năng miễn dịch. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon, Pittsburgh, những người ngủ ít hơn bảy tiếng một ngày có khả năng bị cảm cúm cao hơn những người ngủ đủ tám tiếng hoặc hơn.

Một nghiên cứu của CDC đã chỉ ra chỉ có 1/3 người Mỹ ngủ gần đủ bảy đến tám tiếng. Và có đến 16% người trưởng thành mệt mỏi vì ngủ chưa đến sáu tiếng mỗi đêm, theo Quỹ Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ.

Tất cả những cơn trằn trọc và thức khuya dậy sớm đều không hề tốt cho việc đảm bảo sức khỏe. “Hệ thần kinh của chúng ta ở trạng thái nghỉ khi chúng ta đi ngủ,” bác sĩ Simon Yu, bác sĩ thực tập tại St. Louis, Missouri, chia sẻ. “Nếu hệ thần kinh không có đủ thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục, hệ miễn dịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.” Hệ thần kinh đối giao cảm điều hòa hoạt động của các cơ quan nội tạng, bao gồm cả tim và các chức năng quan trọng như tiêu hóa và bài tiết.

Làm thế nào để cải thiện? Nếu bạn thấy không có đủ thời gian để ngủ, hãy cố gắng tập thói quen đi ngủ, giống như khi bạn còn nhỏ. Bạn có thể bắt đầu bằng việc tắt đèn và điện thoại khi chuẩn bị lên giường. Nghiên cứu của Đại học Wayne State, Detroit, đã chỉ ra việc cầm điện thoại di động lên giường là nguyên nhân của việc giảm 13% giấc ngủ sâu, giấc ngủ giúp cơ thể hồi phục sau mỗi ngày.

Bạn cũng có thể tắm nước nóng trước khi đi ngủ khoảng một tiếng. Nước ấm giúp bạn thư giãn, và quan trọng hơn, việc làm giảm thân nhiệt sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho giấc ngủ tự nhiên.

Nhiều chuyên gia về giấc ngủ khuyến khích bạn nên giữ cho phòng ngủ mát mẻ, nhưng không quá lạnh – trong khoảng 15-24°C. Điều này cũng giúp làm giảm thân nhiệt, tạo điều kiện cho giấc ngủ sâu.

 

Hút thuốc

Không cần bàn cãi về việc hút thuốc lá là trùm của những thói quen gây hại cho sức khỏe. Mọi người đều biết hút thuốc sẽ mang vào cơ thể rất nhiều độc tố, nhưng bạn có lẽ sẽ bất ngờ khi biết chính xác điều đó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp và cảm cúm như thế nào.

Tại sao điều đó lại không tốt? Theo bác sĩ nội khoa Ann Carey Tobin, Delmar, New York, thì hút thuốc lá là cách hoàn hảo để trở thành vật chủ lý tưởng cho virus và vi sinh vật. Hút thuốc làm suy yếu các lông chuyển trong phế nang có tác dụng đẩy các chất thải và dịch ra khỏi phổi. Hút thuốc cũng làm tổn thương những vi sinh vật có lợi giúp chống lại mầm bệnh trong phổi. Khi những người hút thuốc mắc các bệnh hô hấp, họ dễ dàng bị nhiễm khuẩn hơn, do khả năng chống lại vi sinh vật gây bệnh của họ suy giảm, bác sĩ Tobin cho hay.

Làm thế nào để cải thiện? Thực sự chỉ có một cách để phòng tránh tác hại của việc hút thuốc, đó chính là cai thuốc. Bạn sẽ cần rất nhiều sự hỗ trợ, từ thuốc men như Chantix và Zyban cho đến những chương trình cai thuốc qua mạng và các nhóm hỗ trợ. Và cũng đừng quên kẹo cao su và miếng dán nicotin.

Dùng quá ít hoặc quá nhiều chỉ nha khoa

Khoảng 400 loại vi khuẩn khác nhau có thể gây ra bệnh răng miệng và nướu lợi. Cách dễ dàng và tốt nhất để loại bỏ chúng là sử dụng chỉ nha khoa thường xuyên và đúng cách. Và đó chính là điều mà phần đông chúng ta không làm được.

Tại sao điều đó lại không tốt. Nếu không dùng chỉ nha khoa, chúng ta đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm khuẩn và bệnh nướu lợi, có thể dẫn đến mất răng, cùng với những vấn đề khác. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia, New York, tin rằng những viêm nhiễm mãn tính có liên quan đến việc bệnh về lợi tác động lên hệ miễn dịch, tạo cơ hội cho những nhiễm khuẩn khác.

Nhưng theo lời bác sĩ Yu, dùng chỉ nha khoa quá nhiều cũng không phải là điều tốt. Sử dụng quá nhiều chỉ nha khoa có thể gây tổn thương lợi và nhiễm khuẩn vào máu. Tình trạng này gọi là nhiễm khuẩn huyết, có thể dẫn đến nhiễm khuẩn hệ thống, sốt và đau đớn.

Làm thế nào để cải thiện. Làm đúng cách và nhẹ nhàng, chỉ nha khoa đáng ra không gây đau đớn. Cố gắng không cọ quá sát vào lợi, thay vào đó hãy tưởng tượng bạn đang chà nhẹ lên cạnh răng bằng sợi chỉ.

Nếu vẫn gặp khó khăn thì lần tới khi đi khám, hãy yêu cầu bác sĩ hướng dẫn bạn cách dùng chỉ nha khoa. Bạn cũng có thể hỏi nên dùng loại chỉ nào. Có rất nhiều lựa chọn cho bạn, và có thể có loại sẽ tốt cho bạn hơn những loại khác.

Đối với những người mới hoặc tay không được linh hoạt cho lắm, Viện Nha khoa khuyến nghị dùng tăm có đầu chỉ nha khoa. Chúng trông giống những lưỡi cưa nhỏ và có bán tại hầu hết các hiệu thuốc hay cửa hiệu tạp hóa.

Nếu lợi của bạn chảy máu khi dùng chỉ nha khoa thì chắc chắn, lợi của bạn có vấn đề. Những dấu hiệu khác bao gồm lợi đỏ, viêm lợi hoặc tụt lợi. Hãy nhanh chóng đến gặp nha sĩ để chữa trị và bảo vệ hàm răng cũng như sức khỏe của bạn.

Tiêu thụ quá nhiều caffeine

Caffein là một hoạt chất có trong hai loại đồ uống phổ biến nhất thế giới: cà phê và trà. Dù có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tác dụng to lớn đối với sức khỏe của caffeine, bao

gồm cả tác dụng chống oxy hóa, trong trường hợp này, nhiều quá lại hóa độc.

Tại sao điều đó lại không tốt? Caffein làm giảm lượng kẽm trong cơ thể, theo bác sĩ Lauri Grossman, Trưởng khoa Y và Nhân học Cao đẳng Y tế Đồng căn vi lượng Hoa Kỳ tại New York. “Kẽm là nguyên tố cần thiết cho quá trình hồi phục. Nếu có người bị cảm lạnh, khả năng mắc cảm cúm của người đó sẽ tăng lên nếu bị thiếu kẽm.”

Làm thế nào để cải thiện? Bạn không cần phải hoàn toàn từ bỏ caffeine. Phần lớn các nghiên cứu đã chỉ ra gần như không có hậu quả tiêu cực nếu bạn uống dưới ba ly cà phê một ngày, tương đương khoảng 200 đến 300 miligram caffeine mỗi ngày. Hoặc bạn có thể đổi từ cà phê sang trà, với lượng caffeine thấp hơn cà phê thường một nửa (và cũng có nhiều ích lợi về sức khỏe đã được chứng minh).

Nếu bạn muốn từ bỏ hoàn toàn caffeine, hãy giảm dần dần trong vài tuần để tránh cảm giác mệt mỏi và đau đầu. Bạn có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng trong quá trình chuyển giao này bằng các loại cà phê đã giảm caffeine.