Các tình trạng thần kinh và tâm thần phổ biến của COVID-19

Hai nghiên cứu phân tích tổng hợp đã tìm hiểu về các tình trạng thần kinh và tâm thần ở bệnh nhân COVID-19.

  • Nghiên cứu đầu tiên gợi ý rằng các triệu chứng như mệt mỏi và trầm cảm là phổ biến ở bệnh nhân COVID-19, ngay cả khi bệnh nhẹ.
  • Nghiên cứu thứ hai cho thấy các triệu chứng liên quan đến thần kinh trung ương và ngoại biên liên quan đến 36% các ca có nguy cơ nhập viện tăng cao.

Tác động đến não bộ không phải là ngoại lệ

Nghiên cứu đầu tiên được dẫn đầu bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học London và được đăng tải trên tạp chí Neurology, Neurosurgery & Psychiatry vào tháng 6/2021. Các nhà khoa học đã tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp 215 nghiên cứu COVID-19 từ 30 quốc gia, với sự tham gia của 105.638 bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng từ tháng 1 đến tháng 7/2020.

Các triệu chứng phổ biến gồm mất khứu giác (43%), yếu (40%), mệt (38%), mất vị giác (37%), đau cơ (25%), trầm cảm (23%), đau đầu (21%), và bồn chồn (16%). Các nhà nghiên cứu cũng xác định những rối loạn nghiêm trọng nhưng ít gặp hơn như đột quỵ do thiếu máu cục bộ (1,9%), đột quỵ do xuất huyết (0,4%), và co giật (0,06%).

Trong số những bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không phải nhập viện, các triệu chứng thần kinh và tâm thần cũng phổ biến, 55% báo cáo triệu chứng mệt mỏi, 52% mất khứu giác, 47% đau cơ, 45% mất vị giác, và 44% đau đầu.

Trong thông cáo của Đại học London, nghiên cứu viên chính Jonathan Rogers cho biết nhóm nghiên cứu dự đoán các tình trạng thần kinh và tâm thần sẽ phổ biến hơn ở các ca COVID-19 nặng. “Nhưng thay vì thế, chúng tôi phát hiện ra một số triệu chứng dường như phổ biến hơn ở các ca nhẹ… Có vẻ như tác động đến não bộ và sức khỏe tâm thần là điều thường xuyên xảy ra, thay vì ngoại lệ.”

Tác động đến não bộ không phải là ngoại lệ

Không có mối liên hệ rõ ràng với triệu chứng hô hấp hay toàn thân

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng tình trạng viêm ở não, sự thiếu hụt oxy đến não bộ, và các yếu tố tâm thần như sự cô lập có thể là nguyên nhân của các tình trạng này.

“Việc tìm ra rằng các triệu chứng thần kinh phổ biến nhất xảy ra thường xuyên hơn ở những ca COVID-19 ít nguy kịch gợi ý rằng các triệu chứng thần kinh không nhất thiết có mối tương quan với triệu chứng hô hấp hay toàn thân, do vậy nó ngầm chỉ ra hiện tượng này có thể liên quan tới những cơ chế khác hoặc thời điểm tác động khác của cơ chế,” trích bài viết của nhóm nghiên cứu.

Các tác giả kêu gọi thực hiện thêm nhiều nghiên cứu hơn về vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm cả trầm cảm, lo âu, và rối loạn trầm cảm sau sang chấn, cũng như đột quỵ và co giật, ở bệnh nhân COVID-19.

Đồng tác giả chính, Tiến sĩ, bác sĩ Alasdair Rooney thuộc Đại học Edinburgh phát biểu trong thông cáo báo chí rằng các nhà lâm sàng nên nhận thức được rằng triệu chứng thần kinh và tâm thần là rất phổ biến ở bệnh nhân COVID-19. “Với số ca mắc toàn cầu lên đến hàng triệu, kể cả những triệu chứng ít gặp cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều người,” ông nói. “Dịch vụ sức khỏe tâm thần và phục hồi thần kinh nên được củng cố để đón nhận bệnh nhân.”

Các tình trạng nặng có mối liên hệ với nhiễm trùng nghiêm trọng

Nghiên cứu thứ hai được công bố trên BMC Infectious Diseases là một bản phân tích tổng hợp 143 nghiên cứu quan sát và mô tả thực hiện trên 10.723 bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh. Nghiên cứu được dẫn dắt bởi các nhà khoa học thuộc Đại học La Sabana tại Colombia.

Các tác giả đã phát hiện ra rằng các triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh ở bệnh nhân COVID-19 xuất hiện với tỉ lệ từ 22,5% đến 36,4%. Tình trạng này làm tăng nguy cơ nhập viện lên khoảng 81%. Tỉ lệ tử vong không liên quan rõ ràng đến thần kinh, mà thay vào đó là các tình trạng toàn thân.

Năm mươi ba nghiên cứu được xem xét đã báo cáo 8.129 dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh, bao gồm rối loạn tâm thần kinh (61,3%), nhức đầu (22,2%), chóng mặt (6,6%), suy giảm ý thức (5,2%), mê sảng (4,3%), buồn nôn và nôn (0,3%), và cứng cổ (0,1%). Mất khứu giác hoặc vị giác, tổn thương não và đột quỵ cũng rất phổ biến. Các triệu chứng tâm thần bao gồm lo lắng, rối loạn tâm trạng, rối loạn tâm thần và mất ngủ, và một số triệu chứng khác.

Hai mươi tám nghiên cứu đã chỉ ra các tình trạng thần kinh cục bộ, hầu hết liên quan đến đột quỵ, ở 410 bệnh nhân, bao gồm rối loạn vận động, rối loạn ngôn ngữ, chứng hay quên, rối loạn thị giác… Hai mươi tám nghiên cứu đã báo cáo tình trạng co giật ở 346 bệnh nhân, khoảng 90% trong số đó mắc bệnh lần đầu.

 “Các biến cố thần kinh nghiêm trọng xảy ra thường xuyên hơn ở những ca bệnh nặng so với những ca nhẹ,” các nhà nghiên cứu cho biết.  “Ở những bệnh nhân COVID-19 chỉ có tổn thương hô hấp khi nhập viện, sau đó xuất hiện các tình trạng thần kinh, bệnh có xu hướng biến chuyển nặng hơn, cần đặt nội khí quản và thở máy nhiều hơn.”

Các tác giả cho biết các nghiên cứu thuần tập tiến cứu cần được thực hiện để phân tích các biến chứng trung và dài hạn liên quan đến thần kinh trong của COVID-19; đồng thời, các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên nên đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị tình trạng thần kinh liên quan đến COVID-19.

Theo CIDRAP