Bóc trần 12 lầm tưởng đang tràn lan khắp nơi về lão hóa não

Có thể bạn đã hiểu thêm được rất nhiều về bộ não thông qua việc tìm hiểu kiến thức ở nhiều nguồn thông tin khác nhau. Nhưng có thể bạn vẫn còn hiểu sai một số điều khi nói đến việc não bộ có thể làm gì và nó thay đổi như thế nào trong suốt cuộc đời.

Cùng bổ sung kho kiến thức hiện có của bạn bằng cách bóc trần 12 lầm tưởng đang tràn lan khắp nơi về lão hóa não đã được bác sĩ Sanjay Gupta tiết lộ trong cuốn sách “Trí óc minh mẫn”. Việc này sẽ giúp bạn nắm bắt những gì bạn có thể làm để đảo ngược quá trình lão hóa não và củng cố sức khỏe não bộ thêm nhiều năm nữa.

Lầm tưởng #1: Bộ não hoàn toàn là một bí ẩn

Trong khi vẫn còn rất nhiều thứ để tìm hiểu thì gần đây các nhà nghiên cứu vẫn có những bước tiến lớn trong việc thấu hiểu bộ não. Chúng ta biết nhiều hơn về những kết nối giữa các phần trong não và sự liên quan của nó trong cách chúng ta suy nghĩ, di chuyển và cảm nhận. Chúng ta có thể nhận diện tốt hơn về mặt giải phẫu học các vùng nào trong não chịu trách nhiệm cho bệnh trầm cảm, chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, và sự nghiện ngập. Và chúng ta có thể hồi phục não sau chấn thương hoặc đột quỵ tốt hơn.

Lầm tưởng #2: Người già hiển nhiên là sẽ quên quên nhớ nhớ

Lầm tưởng này dựa trên một sự thật; một số kỹ năng nhận thức thực sự sẽ thoái hóa khi bạn già đi, đặc biệt là nếu bạn không thực hành những phương pháp để tập trung và ghi nhớ tốt hơn. Nhưng trong khi bạn vốn có thể học một ngoại ngữ mới nhanh hơn và giỏi ghi nhớ từ vựng khi còn trẻ, thì bạn rất có xu hướng sử dụng ngôn ngữ thành thục và giỏi đánh giá tính cách khi về già. Bạn sẽ ghi điểm tốt hơn trong các thử thách về giao tiếp và ngoại giao xã hội, như cách hòa giải một cuộc tranh cãi hay xử lý một mâu thuẫn nào đó. Một ưu điểm tốt khác khi già đi là chúng ta có xu hướng tiến bộ theo thời gian trong cách kiểm soát cảm xúc, giải tỏa áp lực và tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.

Người già hiển nhiên là sẽ quên quên nhớ nhớ

 

Lầm tưởng #3: Chứng sa sút trí tuệ là hệ quả không thể tránh khỏi của tuổi già

Bạn hoàn toàn có thể tự bác bỏ lầm tưởng này ngay thời điểm này. Chứng sa sút trí tuệ không phải là một phần thông thường của tuổi già. Những thay đổi thường thấy liên quan đến tuổi tác không giống với những thay đổi gây ra bởi bệnh tật. Ta có thể giảm tốc những thay đổi liên quan đến tuổi tác và tránh được những thay đổi liên quan đến bệnh tật.

Lầm tưởng #4: Người lớn tuổi thì không thể học được cái mới

Ta có thể học hỏi ở bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là khi tham gia vào những hoạt động kích thích nhận thức như gặp gỡ người mới và thử những thú vui mới. Sự kết hợp giữa việc trí nhớ được kích thích và khả năng sản sinh tế bào thần kinh mới (sự tăng trưởng và phát triển hệ thần kinh) đồng nghĩa với việc chúng ta có thể tiếp tục thay đổi thông tin, dung lượng và sức học hỏi của não.

Lầm tưởng #5: Bạn phải lưu loát một ngôn ngữ rồi mới bắt đầu học ngôn ngữ khác

Trẻ em học tiếng Anh và một ngôn ngữ khác cùng lúc sẽ không nhầm lẫn hai thứ tiếng với nhau, và ngay cả khi chúng tốn thời gian để thông thạo cả hai thứ tiếng cùng lúc thì việc này cũng không có hại. Những vùng khác nhau trong não sẽ không đánh nhau nên sẽ không có sự can thiệp nào. Trái lại thì những đứa trẻ thông thạo hai ngôn ngữ thường có kiến thức tổng quát về cấu trúc ngôn ngữ tốt hơn. Một trong những lý do mà trẻ em dường như học một ngôn ngữ mới dễ dàng hơn người lớn là vì chúng ít ngượng ngùng hơn.

Bạn phải lưu loát một ngôn ngữ rồi mới bắt đầu học ngôn ngữ khác

 

Lầm tưởng #6: Người đã từng luyện tập trí nhớ sẽ không bao giờ lãng quên

Nguyên tắc này đúng với việc luyện tập trí nhớ cũng như việc duy trì sức mạnh cơ bắp hoặc sức khỏe thể chất nói chung. Đây là một sự luyện tập mà bạn cần phải duy trì liên tục, cùng với các phương pháp dài hạn khác.

Lầm tưởng #7: Chúng ta chỉ sử dụng 10% bộ não

Có ai mà chưa từng nghe về lầm tưởng này cơ chứ? Nó đã tồn tại được một thời gian dài, đưa ra ý tưởng rằng ta vẫn còn rất nhiều năng lực tâm thần chưa được sử dụng tới. Nhưng liệu chúng ta có thực sự đã lãng phí hết 90% bộ não hay không? Chắc chắn là không. Điều đó rõ là nực cười chỉ xét trên quan điểm tiến hóa. Não là một bộ phận rất đòi hỏi; nó cần rất nhiều năng lượng để hình thành trong quá trình phát triển và để duy trì khi đã trưởng thành.

Lầm tưởng #8: Não bộ của nam và nữ khác biệt ở cách thể hiện khả năng học tập và trí thông minh

Mọi người truyền tai nhau rằng về mặt sinh học, nam giới thích hợp học toán và và khoa học, còn nữ giới thì thích hợp với sự thấu cảm và trực giác. Một vài nghiên cứu được thiết kế dở nhất, ít khả năng tái lặp nhất và thiên vị nhất trong lịch sử khoa học khẳng định là đã cung cấp những lý giải sinh học về sự khác nhau của hai giới. Đồng ý rằng có sự khác biệt giữa não bộ của nam và nữ, dẫn đến sự khác biệt trong chức năng não, nhưng chưa tới cái mức gọi là một bên “trội” hơn bên còn lại.

Lầm tưởng #9: Ngày nào chơi ô chữ – ngày đó còn khỏe re

Một trong những điều khác được mọi người truyền tai nhau là chơi trò giải ô chữ sẽ giúp não bạn luôn trẻ mãi. Thật không may là các trò đố chữ chỉ kích thích một phần trong não, hầu hết là khả năng tìm từ (còn được gọi là khả năng ngôn ngữ lưu loát). Vì vậy, dù trò này giúp bạn vượt trội trong kỹ năng đó, nhưng chúng không hẳn là sẽ giúp mài giũa bộ não trên bất kỳ phương diện tổng thể nào. Tuy nhiên, việc chơi đố chữ và toán học, bao gồm những trò như Sudoku, vẫn có giá trị.

Lầm tưởng #10: Bạn thiên về não “trái” hoặc não “phải”

Trái ngược với những gì bạn từng biết thì “hai phần” của não – phải và trái – phụ thuộc vào nhau đến từng chi tiết. Có thể bạn đã từng nghe rằng mình “thiên về não phải” hoặc “thiên về não trái” – và rằng những ai thiên về não phải thì sẽ sáng tạo hơn hoặc nghệ sĩ hơn; còn những ai thiên về não trái thì sẽ giỏi kỹ thuật và logic hơn. Khái niệm não trái/não phải bắt nguồn từ nhận thức rằng nhiều người thể hiện và tiếp nhận ngôn ngữ ở bán cầu não trái nhiều hơn, còn khả năng về không gian và thể hiện cảm xúc thì ở não phải nhiều hơn. Các nhà tâm lý học đã sử dụng ý tưởng này để phân biệt các loại tính cách khác nhau. Nhưng công nghệ quét não đã tiết lộ rằng hai bán cầu não hầu như luôn làm việc với nhau một cách chặt chẽ.

Lầm tưởng #11: Bạn chỉ có năm giác quan

Bạn có thể kể tên tất cả năm giác quan: nhìn (thị giác), ngửi (khứu giác), nếm (vị giác), sờ (xúc giác), và nghe (thính giác). Nhưng vẫn còn những thứ “giác” khác mà theo tiếng Hán có nghĩa là “năng lực cảm nhận”. Sáu giác quan sau đây cũng được xử lý trong bộ não và cung cấp cho chúng ta nhiều dữ liệu hơn về thế giới bên ngoài:

  • Giác quan động học (Proprioception): Cảm giác về các bộ phận của cơ thể và hoạt động của chúng.
  • Giác quan thăng bằng (Equilibrioception): Cảm giác về thăng bằng, hoặc còn được biết đến như hệ thống GPS nội bộ của bạn. Nó cho bạn biết là mình đang ngồi, đứng hay nằm. Nó nằm ở tai trong (vì vậy mà bạn sẽ bị chóng mặt khi tai trong có vấn đề).
  • Thụ cảm đau (Nociception): Cảm giác về sự đau đớn.
  • Giác quan nhiệt độ (Thermoreception): Cảm giác về nhiệt độ.
  • Giác quan thời gian (Chronoception): Cảm giác về dòng thời gian đang trôi.
  • Giác quan nội thân (Interoception): Cảm giác về nhu cầu bên trong cơ thể, như đói bụng, khát nước, cần đi vệ sinh.

Bạn chỉ có năm giác quan

 

Lầm tưởng #12: Bạn sinh ra với số lượng tế bào não cố định, não bạn đã được lập trình sẵn, và tổn thương não là vĩnh viễn

Chúng ta từng tin rằng mình sinh ra với số lượng tế bào thần kinh nhất định cho đến cuối đời. Khi bất kỳ tế bào nào bị tổn thương, ta sẽ không thể thay thế nó được. Tương tự như vậy, nhiều nhà khoa học đã nghĩ rằng bộ não là thứ bất di bất dịch: Một khi đã hỏng là khỏi sửa chữa được nữa. Nhưng giờ đây ta đã biết là không phải như thế. Bộ não luôn giữ tính dẻo dai trong suốt cuộc đời và có thể tự tái lập trình để phản ứng với những trải nghiệm. Nó cũng có thể tạo ra các tế bào não mới trong những hoàn cảnh cụ thể.

Theo cuốn sách ““Trí óc minh mẫn – Để não bộ sắc bén ở mọi lứa tuổi” của Bác sĩ Sanjay Gupta.

Trí óc minh mẫn – Để não bộ sắc bén ở mọi lứa tuổi