6 loại đãng trí thông thường không đáng để lo lắng

Trong cuốn sách “Trí óc minh mẫn – Để não bộ sắc bén ở mọi lứa tuổi” – Bác sĩ Sanjay Gupta đã đă ra 6 loại đãng trí thông thường không đáng để bạn lo lắng.

Bạn quên mất hôm nay là thứ mấy trong tuần khi thức dậy vào buổi sáng. Việc này là bình thường hay là dấu hiệu của một thứ gì đó nghiêm trọng? Bạn không thể nhớ số điện thoại của mình hồi 20 năm về trước hay tên của giáo viên thể dục ở trường trung học. Vậy có bình thường không? Một trong những câu hỏi đầu tiên mà người ta thường tự hỏi chính mình khi quên mất điều gì đó tưởng chừng như cơ bản hoặc không thể nhớ được tên của một người bạn cùng lớp đã lâu không gặp tại buổi họp mặt là gì: Liệu đây là một việc bình thường hay là giai đoạn đầu của suy giảm nhận thức? 

Tính lơ đễnh

Mình để chìa khóa ở đâu nhỉ? Hoặc là mình đi vào bếp để làm gì nhỉ? Chúng ta đều đã từng trải nghiệm chuyện tương tự lúc này hay lúc khác, và chúng ta có thể đổ lỗi cho sự thiếu chú ý hoặc thiếu tập trung. Quên mất đường đi tới một địa điểm đã lâu rồi không ghé thăm cũng là chuyện bình thường thôi. Nhưng nếu sau khi bạn đã mua sắm xong xuôi ở cửa hàng bách hóa quen thuộc và không thể nhớ ra đường về nhà, thì đó có thể là một vấn đề vượt tầm lơ đễnh rồi. Trong cuốn sách có tầm ảnh hưởng của mình, The Memory Book, Harry Lorayne và Jerry Lucas đã miêu tả quá trình quan trọng của thứ mà họ gọi là “nhận thức nguyên thủy”. Họ sử dụng thuật ngữ này đơn giản là để nhắc tới “lần đầu tiên” – ví dụ như lần đầu tiên bạn thấy hay làm một điều gì đó mà bạn muốn ghi nhớ. Khi bạn để chùm chìa khóa xuống một cái bàn, bạn cần phải có một nhận thức nguyên thủy khi bạn để nó xuống để ghi nhớ rằng bạn đã để nó ở đó. Bạn cần phải chủ động quan sát những gì mình đang làm. Trên thực tế, quan sát là hành động cần thiết đối với nhận thức nguyên thủy, và nó không giống với việc đơn giản là “nhìn thấy”. Có một sự khác biệt giữa thứ mà mắt chúng ta “nhìn thấy” với thứ mà tâm trí chúng ta “quan sát”. Nếu tâm trí của bạn “vắng mặt” khi bạn thực hiện một hành động nào đó, thì sẽ không có sự quan sát; quan trọng hơn là sẽ không có sự nhận thức về hành động đó (sự học) và sự hình thành ký ức sau đó.

Tính lơ đễnh

Ngăn chặn

Đây là một trải nghiệm kinh điển nhưng khó chịu khi không thể nhớ ra điều gì đó trong trí nhớ mà bạn biết là nó ở ngay đó. Bạn biết mình đang muốn nói gì, nhưng nó lại bị ẩn đi. Sự ngăn chặn thường là kết quả của của nhiều ký ức tương tự nhau gây nên sự đứt gãy. Nhiều

nghiên cứu cho thấy những người tham gia nghiên cứu lớn tuổi hơn thường kích hoạt nhiều vùng trong não để thực hiện một nhiệm vụ trí nhớ hơn là những đối tượng trẻ. Hãy xem điều này như kiểu nút triệu hồi ký ức đôi khi bị kẹt ấy.

Lộn xộn

Nếu bạn nhớ chính xác hầu hết một sự kiện hoặc các khối thông tin nhưng lại lẫn lộn các chi tiết với nhau, thì trí nhớ của bạn đang bị lộn xộn – nhầm lẫn những chi tiết nhỏ. Ví dụ như một người bạn nói với bạn rằng cô ấy đang học một lớp viết văn để có thể hoàn thành cuốn tiểu thuyết của mình. Sau đó, bạn nhớ chính xác thông tin này nhưng lại nghĩ là cô ấy trực tiếp nói với bạn trong khi cuộc trò chuyện ấy vốn là qua điện thoại. Một lỗi nhỏ trong hồi hải mã dường như chịu trách nhiệm cho chuyện này. Nó đã ghi nhận sai thông tin thời gian và địa điểm của sự việc.

Lộn xộn

Lãng quên

Bộ não liên tục loại bỏ những ký ức cũ hơn để chừa chỗ cho những ký ức mới. Ký ức nào không được triệu hồi thường xuyên có thể bắt đầu phai nhạt đi bởi vì chúng không được củng cố. Đó là lý do vì sao bạn lại dễ dàng nhớ được chi tiết của những gì mình mới làm gần đây hơn là những gì đã xảy ra nhiều năm trước. Đặc trưng cơ bản dùng-hoặc-mất này của trí nhớ được gọi là tính tạm thời, và đây là một điều bình thường với mọi độ tuổi.

Lãng quên

Gặp khó khăn khi nhớ lại

Điều này tương tự với tính lơ đễnh. Bạn vừa mới gặp một người lần đầu tiên và vài giây sau, bạn không thể nhớ nổi tên cô ấy. Hoặc là bạn vừa mới xem một bộ phim, nhưng khi bạn kể cho bạn của mình nghe vào ngày hôm sau, bạn lại hoàn toàn quên mất tựa phim hoặc là tên diễn viên đóng chính. Sự lão hóa sẽ thay đổi mức độ chặt chẽ của các liên kết giữa những tế bào thần kinh trong não, và những thông tin mới có thể xóa các thông tin khác trong trí nhớ ngắn hạn, trừ phi nó được lặp đi lặp lại. Chính vì vậy mà chú ý đặc biệt khi học tên ai đó ngay tại chỗ và gắn cái tên đó với một điều gì đó cụ thể hoặc quen thuộc sẽ giúp bạn tránh mắc phải lỗi này.

Đa nhiệm lộn xộn

Vào một thời điểm nào đó, số lượng những việc mà bạn có thể làm cùng lúc một cách hiệu quả sẽ giảm xuống. Có thể bạn sẽ không vừa viết email vừa xem tivi được nữa. Các nghiên cứu cho thấy càng về già thì não chúng ta càng phải nỗ lực nhiều hơn để duy trì sự tập trung, và nó cần nhiều thời gian hơn để quay trở lại nhiệm vụ ban đầu sau khi bị gián đoạn.