12 lầm tưởng đang tràn lan khắp nơi về lão hóa não

Hãy cùng bổ sung kho kiến thức hiện có của bạn bằng cách bóc trần 12 lầm tưởng đang tràn lan khắp nơi về lão hóa não. Việc này sẽ chuẩn bị cho quá trình nắm bắt những gì bạn có thể làm để đảo ngược quá trình lão hóa não và củng cố sức khỏe não bộ thêm nhiều năm nữa.

Lầm tưởng #1: Bộ não hoàn toàn là một bí ẩn

Tôi vừa yêu vừa ghét cái lầm tưởng này. Tôi ghét vì nó không đúng, nhưng tôi lại yêu vì nó cho phép tôi sửa lại những hiểu lầm của mọi người và cho họ hi vọng. Trong khi vẫn còn rất nhiều thứ để tìm hiểu thì gần đây các nhà nghiên cứu vẫn có những bước tiến lớn trong trong việc thấu hiểu bộ não. Chúng ta biết nhiều hơn về những kết nối giữa các phần trong não và sự liên quan của nó trong cách chúng ta suy nghĩ, di chuyển và cảm nhận. Chúng ta có thể nhận diện tốt hơn về mặt giải phẫu học các vùng nào trong não chịu trách nhiệm cho bệnh trầm cảm, chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, và sự nghiện ngập. Và chúng ta có thể hồi phục não sau chấn thương hoặc đột quỵ tốt hơn. Lĩnh vực khoa học thần kinh đã gần như ngay lập tức tỏa sáng với những đột phá mới và thú vị.

Lầm tưởng #2: Người già hiển nhiên là sẽ quên quên nhớ nhớ

Lầm tưởng này dựa trên một sự thật; một số kỹ năng nhận thức thực sự sẽ thoái hóa khi bạn già đi, đặc biệt là nếu bạn không thực hành những phương pháp để tập trung và ghi nhớ tốt hơn. Nhưng trong khi bạn vốn có thể học một ngoại ngữ mới nhanh hơn và giỏi ghi nhớ từ vựng khi còn trẻ, thì bạn rất có xu hướng sử dụng ngôn ngữ thành thục và giỏi đánh giá tính cách khi về già. Bạn sẽ ghi điểm tốt hơn trong các thử thách về giao tiếp và ngoại giao xã hội, như cách hòa giải một cuộc tranh cãi hay xử lý một mâu thuẫn nào đó. Một ưu điểm tốt khác khi già đi là chúng ta có xu hướng tiến bộ theo thời gian trong cách kiểm soát cảm xúc, giải tỏa áp lực và tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.

Lầm tưởng #3: Chứng sa sút trí tuệ là hệ quả không thể tránh khỏi của tuổi già

Bạn hoàn toàn có thể tự bác bỏ lầm tưởng này ngay thời điểm này. Chứng sa sút trí tuệ không phải là một phần thông thường của tuổi già. Những thay đổi thường thấy liên quan đến tuổi tác không giống với những thay đổi gây ra bởi bệnh tật. Ta có thể giảm tốc những thay đổi liên quan đến tuổi tác và tránh được những thay đổi liên quan đến bệnh tật.

Lầm tưởng #4: Người lớn tuổi thì không thể học được cái mới

Ta có thể học hỏi ở bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là khi tham gia vào những hoạt động kích thích nhận thức như gặp gỡ người mới và thử những thú vui mới. Sự kết hợp giữa việc trí nhớ được kích thích và khả năng sản sinh tế bào thần kinh mới (sự tăng trưởng và phát triển hệ thần kinh) đồng nghĩa với việc chúng ta có thể tiếp tục thay đổi thông tin, dung lượng và sức học hỏi của não. Dù rằng việc thuần thục các kỹ năng mới, ví dụ như ngôn ngữ thứ hai hoặc thứ ba, có thể tốn thời gian hơn với một người lớn tuổi, thì điều đó cũng không nghĩa là họ không thể chinh phục được chúng. Không bao giờ nói “không bao giờ”. Ngay cả những người bị suy giảm nhận thức, bao gồm cả bệnh Alzheimer, cũng vẫn có thể tiếp tục học những điều mới.

Lầm tưởng #5: Bạn phải lưu loát một ngôn ngữ rồi mới bắt đầu học ngôn ngữ khác

Trẻ em học tiếng Anh và một ngôn ngữ khác cùng lúc sẽ không nhầm lẫn hai thứ tiếng với nhau, và ngay cả khi chúng tốn thời gian để thông thạo cả hai thứ tiếng cùng lúc thì cũng không có nghĩa việc này có hại gì. Những vùng khác nhau trong não sẽ không đánh nhau nên sẽ không có sự can thiệp nào. Trái lại thì những đứa trẻ thông thạo hai ngôn ngữ thường có kiến thức tổng quát về cấu trúc ngôn ngữ tốt hơn. Một trong những lý do mà trẻ em dường như học một ngôn ngữ mới dễ dàng hơn người lớn là vì chúng ít ngượng ngùng hơn.

Lầm tưởng #5: Bạn phải lưu loát một ngôn ngữ rồi mới bắt đầu học ngôn ngữ khác

Lầm tưởng #6: Người đã từng luyện tập trí nhớ sẽ không bao giờ lãng quên

Một trong số đó là “sử dụng hoặc đánh mất”. Nguyên tắc này đúng với việc luyện tập trí nhớ cũng như việc duy trì sức mạnh cơ bắp hoặc sức khỏe thể chất nói chung vậy. Đây là một sự luyện tập mà bạn cần phải duy trì liên tục, cùng với các phương pháp dài hạn khác.

Lầm tưởng #7: Chúng ta chỉ sử dụng 10% bộ não

Có ai mà chưa từng nghe về lầm tưởng này cơ chứ? Nó đã tồn tại được một thời gian dài, đưa ra ý tưởng rằng ta vẫn còn rất nhiều năng lực tâm thần chưa được sử dụng tới. Nhưng liệu chúng ta có thực sự đã lãng phí hết 90% bộ não hay không? Chắc chắn là không. Điều đó rõ là nực cười chỉ xét trên quan điểm tiến hóa.

Não là một bộ phận rất đòi hỏi; nó cần rất nhiều năng lượng để hình thành trong quá trình phát triển và để duy trì khi đã trưởng thành. Theo tiến hóa, không có lý gì phải mang trong mình mô não dư thừa cả (và áp dụng một số logic nhé: nếu ý tưởng về 10% ấy là đúng, thì hẳn là sẽ đỡ lo hơn khi não bị tổn thương). Các thí nghiệm sử dụng chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) hoặc chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) cho thấy phần lớn bộ não đều tham gia hoạt động ngay cả trong các nhiệm vụ đơn giản, và tổn thương ở những khu vực nhỏ của não gọi là “vỏ não eloquent” có thể gây ra các hậu quả sâu sắc ở phương diện ngôn ngữ, vận động, cảm xúc và xúc giác.

Hãy nhớ rằng các nghiên cứu giải phẫu cho thấy nhiều người có dấu hiệu thể chất của bệnh Alzheimer (ví dụ như các mảng amyloid giữa những tế bào thần kinh) trong não ngay cả khi họ không có triệu chứng gì. Có lẽ chúng ta thực sự mất đi một vài mô não mà vẫn hoạt động hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, vẫn cần phải nói về việc chọn tập thể dục cho trí não toàn diện. Người ta sẽ đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra IQ nếu có động lực lớn, và điều đó không hề gây bất ngờ. Tôi nghĩ não bộ cũng giống như một thị trấn vậy. Những cấu trúc quan trọng như nhà ở và cửa hàng thì gần như được sử dụng liên tục, và chúng có lẽ đại diện cho 10-20% của bộ não. Phần còn lại là những con đường kết nối tất cả những cửa hàng và nhà ở đó. Không có đường đi, các thông tin sẽ không thể đến đích. Vì vậy dù những con đường không được sử dụng liên tục, chúng vẫn rất cần thiết.

Lầm tưởng #8: Não bộ của nam và nữ khác biệt ở cách thể hiện khả năng học tập và trí thông minh

Mọi người truyền tai nhau rằng về mặt sinh học, nam giới thích hợp học toán và và khoa học, còn nữ giới thì thích hợp với sự thấu cảm và trực giác. Một vài nghiên cứu được thiết kế dở nhất, ít khả năng tái lặp nhất và thiên vị nhất trong lịch sử khoa học khẳng định là đã cung cấp những lý giải sinh học về sự khác nhau của hai giới. Đồng ý rằng có sự khác biệt giữa não bộ của nam và nữ, dẫn đến sự khác biệt trong chức năng não, nhưng chưa tới cái mức gọi là một bên “trội” hơn bên còn lại. Các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu bộ não để thấu hiểu và học hỏi nhiều hơn về bất kỳ khác biệt quan trọng nào giữa bộ não của nam và nữ – những nghiên cứu này vẫn tiếp tục xuất hiện trong lĩnh vực khoa học thần kinh. Một cách nghĩ khác về điều này rộng hơn như sau: Mỗi người chúng ta có thể được lập trình theo một cách độc nhất khác nhau, mặc dù với một bộ não khỏe mạnh thì ai cũng có năng lực học tập, ghi nhớ và lý giải thế giới phức tạp quanh mình cả. Tuy nhiên có một điều cần phải ghi nhớ là bệnh Alzheimer tấn công lệch hẳn về phía phụ nữ so với nam giới.

Hai phần ba người Mỹ mắc bệnh Alzheimer là phụ nữ, và chúng ta chưa hiểu được tại sao hoặc điều gì khiến phụ nữ có nguy cơ cao hơn. Đó không chỉ là vì họ thường sống lâu hơn. Số lần mang thai trong đời của một người nữ cũng nằm trong những giả thuyết gây tranh cãi đang được nghiên cứu.

Mang thai kéo theo nhiều thay đổi của cơ thể, từ thay đổi nội tiết tố đến chức năng miễn dịch, mà sau này có thể dẫn đến việc ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ. Chúng ta vẫn chưa có câu trả lời, mặc dù liệu pháp hormone vẫn đang được xem xét. Nghiên cứu cho thấy phương pháp này có ảnh hưởng xấu đến nhận thức trong một số trường hợp nhất định nhưng lại có tiềm năng có lợi trong một số trường hợp khác, tùy thuộc vào thời điểm bắt đầu tiếp nhận trị liệu (ví dụ như vào những năm đầu độ tuổi 50 hoặc giai đoạn giữa tuổi 65 và 79). Một điều ngày càng rõ ràng là ta cần cân nhắc về một cách thức tiếp cận bệnh được cá nhân hóa. Mỗi người phụ nữ lại có phản ứng khác nhau với liệu pháp hormone, tùy thuộc vào các yếu tố rủi ro riêng của mỗi người, như là bị bệnh tiểu đường hoặc có gen liên quan đến bệnh Alzheimer.

Phụ nữ đúng là có lợi thế hơn nam giới ở kỹ năng ngôn ngữ nói, mà đó có thể là một yếu tố giúp nhận biết bất kỳ vấn đề về nhận thức nào. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ ghi điểm cao hơn trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn dùng để chẩn đoán các giai đoạn đầu của chứng sa sút trí tuệ, ngay cả khi các kết quả chụp não cho thấy họ đang ở cùng một giai đoạn bệnh với nam giới. Nói đơn giản là phụ nữ có thể giấu được các triệu chứng của bệnh Alzheimer nhờ vào kỹ năng nói vượt trội của mình, dẫn đến việc không được chẩn đoán kịp thời. Vào những giai đoạn sau của chứng suy giảm nhận thức, lợi thế này sẽ biến mất. Sự khác biệt dựa trên giới tính ấy có thể là nguyên nhân phụ nữ có vẻ như sa sút nhanh hơn sau khi được chẩn bệnh – họ đã đi xa hơn trên quỹ đạo của bệnh so với bài kiểm tra trước đó đã chỉ ra. Các yêu cầu xem xét những điểm giới hạn dựa trên giới tính với các bài kiểm tra này đã được thảo luận trong các cơ sở nghiên cứu và lâm sàng.

Lầm tưởng #9: Ngày nào chơi ô chữ – ngày đó còn khỏe re

Một trong những điều khác được mọi người truyền tai nhau là chơi trò giải ô chữ sẽ giúp não bạn luôn trẻ mãi. Thật không may là các trò đố chữ chỉ kích thích một phần trong não, hầu hết là khả năng tìm từ (còn được gọi là khả năng ngôn ngữ lưu loát). Vì vậy, dù trò này giúp bạn vượt trội trong kỹ năng đó, chúng không hẳn là sẽ giúp mài giũa bộ não trên bất kỳ phương diện tổng thể nào. Tuy nhiên, việc chơi đố chữ và toán học, bao gồm những trò như Sudoku, vẫn có giá trị. Năm 2019, một nghiên cứu của Đại học Y Exeter và Đại học King London đã xác nhận kết quả bước đầu rằng người tham gia nghiên cứu càng thường xuyên chơi các trò giải câu đố thì họ càng giỏi trong các hoạt động liên quan đến sự chú ý, khả năng lý luận, và ghi nhớ.

Kết quả đến từ dữ liệu phân tích hơn 19.000 người khỏe mạnh trong độ tuổi từ 50 trở lên, kéo dài 25 năm và theo dõi những người tham gia hằng năm để khám phá xem não của họ lão hóa như thế nào, và điều gì có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ khi về già. Các nhà nghiên cứu đã nhanh chóng chỉ ra rằng các kết quả không có nghĩa trực tiếp và chắc chắn là việc chơi giải câu đố sẽ giúp cải thiện chức năng não hoặc đem lại cho bạn một bộ não sắc bén hơn. Những gì rút ra được là luôn giữ cho tâm trí hoạt động có thể giúp làm giảm sự sa sút trong kỹ năng tư duy, và đối với một số người, chơi giải câu đố là một phương pháp để thực hiện điều đó. Với một số người khác thì chưa chắc.

Lầm tưởng #10: Bạn thiên về não “trái” hoặc não “phải”

Trái ngược với những gì bạn từng biết thì “hai phần” của não – phải và trái – phụ thuộc vào nhau đến từng chi tiết. Có thể bạn đã từng nghe rằng mình “thiên về não phải” hoặc “thiên về não trái” – và rằng những ai thiên về não phải thì sẽ sáng tạo hơn hoặc nghệ sĩ hơn còn những ai thiên về não trái thì sẽ giỏi kỹ thuật và logic hơn. Khái niệm não trái/não phải bắt nguồn từ nhận thức rằng nhiều người thể hiện và tiếp nhận ngôn ngữ ở bán cầu não trái nhiều hơn, còn khả năng về không gian vả thể hiện cảm xúc thì ở não phải nhiều hơn. Các nhà tâm lý học đã sử dụng ý tưởng này để phân biệt các loại tính cách khác nhau. Nhưng công nghệ quét não đã tiết lộ rằng hai bán cầu não hầu như luôn làm việc với nhau một cách chặt chẽ. Ví dụ như quá trình xử lý ngôn ngữ, vốn từng được cho là chuyên ngành của chỉ mình bán cầu não trái, ngày nay đã được hiểu là diễn ra trong cả hai bán cầu. Phần não trái xử lý ngữ pháp và phát âm, còn phần não phải xử lý ngữ điệu, và não cần cả hai bán cầu não cho việc đọc và làm toán.

Lầm tưởng #11: Bạn chỉ có năm giác quan

Bạn có thể kể tên tất cả năm giác quan: nhìn (thị giác), ngửi (khứu giác), nếm (vị giác), sờ (xúc giác), và nghe (thính giác).

Nhưng vẫn còn những thứ “giác” khác mà theo tiếng Hán có nghĩa là “năng lực cảm nhận”. Sáu giác quan sau đây cũng được xử lý trong bộ não và cung cấp cho chúng ta nhiều dữ liệu hơn về thế giới bên ngoài:

  • Giác quan động học (Proprioception): Cảm giác về các bộ phận của cơ thể và hoạt động của chúng.
  • Giác quan thăng bằng (Equilibrioception): Cảm giác về thăng bằng, hoặc còn được biết đến như hệ thống GPS nội bộ của bạn. Nó cho bạn biết là mình đang ngồi, đứng hay nằm. Nó nằm ở tai trong (vì vậy mà bạn sẽ bị chóng mặt khi tai trong có vấn đề).
  • Thụ cảm đau (Nociception): Cảm giác về sự đau đớn.
  • Giác quan nhiệt độ (Thermoreception): Cảm giác về nhiệt độ.
  • Giác quan thời gian (Chronoception): Cảm giác về dòng thời gian đang trôi.
  • Giác quan nội thân (Interoception): Cảm giác về nhu cầu bên trong cơ thể, như đói bụng, khát nước, cần đi vệ sinh.

Lầm tưởng #12: Bạn sinh ra với số lượng tế bào não cố định, não bạn đã được lập trình sẵn, và tổn thương não là vĩnh viễn

Nếu bạn từng nghĩ rằng đầu của một đứa trẻ sơ sinh trông lớn hơn theo tỉ lệ cơ thể với đầu so với đầu của một người trưởng thành, thì bạn đúng rồi đấy. Vì sự mất cân bằng trong quá trình phát triển não và cơ thể trong thời gian mang thai, tỉ lệ não so với cơ thể của trẻ sẽ lớn hơn tỉ lệ não so với cơ thể của người trưởng thành. Não của trẻ sơ sinh có kích thước tăng gấp 3 lần trong năm đầu đời; sau đó, tốc độ phát triển thể chất sẽ chậm lại khi chúng ta học hỏi và nhồi nhét nhiều dữ liệu hơn vào bộ não 1,4 kg của mình. Thứ tiếp tục phát triển, cho phép khả năng phi thường là xử lý ngày càng nhiều thông tin, chính là độ phức tạp của mạng lưới thần kinh khi chúng trải quả một quá trình cắt tỉa, trong đó những khớp thần kinh không được sử dụng sẽ bị loại bỏ để chừa chỗ cho những khớp mới. Việc này giúp giải thích tại sao kích thước não không nhất thiết có liên quan trực tiếp đến trí thông minh. Khi bộ não đạt đến một nửa kích thước trưởng thành trong vòng 9 tháng và gần 3⁄4 trong vòng 2 năm tuổi, thì đầu của một đứa bé phải lớn và phát triển thần tốc để phù hợp với phần còn lại của cơ thể. Trung bình, bộ não bé gái đạt kích thước tối đa trong khoảng 11,5 năm và bộ não bé trai thì khoảng 14,5 năm – nhưng một lần nữa nhắc lại là não sẽ không trưởng thành hoàn toàn trong phương diện phát triển nội thân và các chức năng điều hành cho đến khi 25 tuổi.

Bạn đã biết rằng, là một người trưởng thành thì việc thêm thông tin vào não sẽ không làm tăng kích thước của nó (và hãy tưởng tượng xem chúng ta sẽ trông như thế nào nếu kích thước não cứ tăng dần lên với số lượng thông tin mới được nạp vào). Nhưng thứ thực sự sẽ phát triển lớn hơn là số lượng tế bào thần kinh và mức độ phức tạp của mạng lưới ấy thông qua quá trình cắt tỉa và “phát triển” vẫn đang diễn ra tích cực. Mặc dù các gen có thể đóng một vai trò nào đó trong sự suy giảm các khớp thần kinh, nhưng trong số những nghiên cứu đáng kinh ngạc gần đây là nghiên cứu đã nêu bật sức mạnh của kinh nghiệm – cách môi trường của một người có thể ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình cắt tỉa khớp thần kinh. Đây là hiện tượng “tự nhiên so với nuôi dưỡng”. Các khớp thần kinh được “luyện tập” bằng kinh nghiệm sẽ khỏe mạnh hơn, còn những khớp khác thì yếu đi và cuối cùng sẽ bị loại bỏ.

Như tôi đã nhắc đến trước đó, chúng ta từng tin rằng mình sinh ra với số lượng tế bào thần kinh nhất định cho đến cuối đời. Khi bất kỳ tế bào nào bị tổn thương, ta sẽ không thể thay thế nó được. Tương tự như vậy, nhiều nhà khoa học đã nghĩ rằng bộ não là thứ bất di bất dịch: Một khi đã hỏng là khỏi sửa chữa được nữa. Nhưng giờ đây ta đã biết là không phải như thế. Bộ não luôn giữ tính dẻo dai trong suốt cuộc đời và có thể tự tái lập trình để phản ứng với những trải nghiệm. Nó cũng có thể tạo ra các tế bào não mới trong những hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ, hãy xem cách người mù trải nghiệm, khi các phần trong não vốn sẽ xử lý hình ảnh thì chuyển sang tập trung cho thính lực vượt trội. Một người khi luyện tập một kỹ năng mới, như học cách chơi đàn violin, sẽ “tái lập trình” các phần trong não chuyên phụ trách việc kiểm soát vận động tinh. Những người gặp chấn thương não có thể viện đến các phần khác trong não để bù đắp cho mô bị mất hoặc bị hư hại. Trí thông minh cũng không phải là một thứ cố định.

Sự hình thành tế bào thần kinh từ lâu đã được chứng thực ở nhiều loài động vật khác, nhưng phải đến những năm 1990 thì các nhà nghiên cứu mới bắt đầu tập trung hẳn vào việc cố gắng chứng minh sự sản sinh các tế bào não mới ở con người. Cuối cùng, vào năm 1998, nhà thần kinh học người Thụy Điển Peter Eriksson là một trong những người đầu tiên công bố một báo cáo được trích dẫn rộng rãi ngày nay ghi lại rằng trong não của chúng ta – trong hồi hải mã – có một kho chứa các tế bào gốc thần kinh liên tục được bổ sung và có thể biệt hóa thành các tế bào thần kinh.

Chúng ta đều trải qua sự phát triển, ít nhất là ở một số khu vực nhất định trong não, trong suốt cuộc đời. Chúng ta cũng được trang bị thứ công nghệ để tái lập trình và tái định hình bộ não. Điều này dẫn đến sự hình thành một lĩnh vực mới là khả biến thần kinh – khả năng hình thành và tái cấu trúc các kết nối khớp thần kinh của não. Tính dẻo dai của não lần đầu được ghi nhận là vào hơn 100 năm về trước trong cuốn The Principles of Psychology của William James, xuất bản năm 1890, trong đó nhà tâm lý học từ Đại học Harvard đã viết: “Vật chất hữu cơ, đặc biệt là mô thần kinh, dường như được ban tặng một mức độ dẻo dai phi thường”, nhưng chỉ đến thời của chúng ta thì ta mới bắt đầu đánh giá và hình dung hiện tượng này bằng công nghệ. Và với các công cụ như fMRI, chúng ta có thể thấy được não thay đổi để phản ứng với các kích thích nhất định. Ta cũng có thể thấy các phần không được sử dụng của não dần bị loại bỏ. Não liên tục và chủ động định hình và tái định hình chính nó để phản ứng với những trải nghiệm, học hỏi hoặc thậm chí là những chấn thương. Hơn thế nữa, những gì mà bạn lựa chọn tập trung sự chú ý của mình vào sẽ lập trình lại bộ não theo góc độ cấu trúc và chức năng.

Sự thật về sự hình thành tế bào thần kinh diễn ra trong suốt cuộc đời chúng ta, đi kèm với một thông tin bổ sung là ta có thể thay đổi “mạch điện” của nó thông qua tính khả biến thần kinh, đã làm dấy lên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực khoa học thần kinh và cách nghĩ của chúng ta về bộ não. Kiến thức mới này cũng đã tiếp thêm hi vọng cho việc tìm kiếm manh mối để giảm tốc, đảo ngược, hoặc thậm chí là ngăn chặn và chữa lành các bệnh tiến triển. Nếu chúng ta có thể tái tạo tế bào não và định hình lại các kết nối, thì hãy tưởng tượng điều đó có thể giúp gì cho việc nghiên cứu các chứng rối loạn thoái hóa thần kinh. Tôi đoán là những phương pháp điều trị mới sắp có rồi. Một số đã thay đổi cuộc sống của những người đã phải chịu đựng các chấn thương và bệnh về não nghiêm trọng. Hãy đọc cuốn Train Your Mind, Change Your Brain của Sharon Begley để đọc về những câu chuyện có thật đã chứng minh bộ não của chúng ta dẻo dai như thế nào.

Tiến sĩ Norman Doidge cũng kể những câu chuyện tương tự trong các cuốn sách của mình, ghi chép cách thức não tự thay đổi. Nếu những người bị đột quỵ nghiêm trọng có thể học cách nói được trở lại và những ai sinh ra với khiếm khuyết não hoặc những người bị mất một lượng lớn mô não vì bệnh tật hoặc vì phẫu thuật có thể thúc đẩy bộ não tái lập trình để hoạt động như một bộ não hoàn chỉnh, thì hãy nghĩ đến những khả năng mà chúng ta – những người chỉ hi vọng có thể bảo toàn những khả năng tâm trí của mình khi về già – có thể đạt được. Ngay cả những người bị loại bỏ hoàn toàn một bán cầu não khi còn nhỏ để điều trị các bệnh thần kinh hiếm gặp như bệnh động kinh khó chữa hoặc ung thư não vẫn có thể hoạt động bình thường khi trưởng thành. Não của họ đã tái cấu trúc và rất nhiều mạng lưới đã bù đắp cho sự khiếm khuyết.

Nếu bạn đang thắc mắc về cách não “đẻ ra” những tế bào thần kinh mới, thì việc đó phần lớn dựa vào sự trợ giúp của yếu tố nuôi dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não (BDNF), được mã hóa trong một gen thuộc nhiễm sắc thể số 11. Tiến sĩ John Ratey, một nhà tâm lý thần kinh học tại Harvard đã viết rất chuyên sâu về sự liên kết sức khỏe cơ thể và sức khỏe não bộ, ông gọi BDNF là “phân bón cho não”.

Bên cạnh việc nuôi dưỡng sự hình thành thần kinh, BDNF cũng giúp bảo vệ những tế bào hiện có và hỗ trợ việc hình thành các khớp thần kinh – thứ kết nối các tế bào thần kinh với nhau. Điều thú vị là các nghiên cứu đã cho thấy mức độ suy giảm BDNF ở các bệnh nhận Alzheimer. Chẳng có gì ngạc nhiên khi sau đó các nhà khoa học đang tìm cách gia tăng BDNF trong não thông qua các thói quen lối sống cơ bản. Trong số những điều được liệt kê trong danh sách các phương pháp gồm có tập thể dục, giấc ngủ phục hồi, giảm căng thẳng và phơi nắng lành mạnh.

Cần chú ý rằng tính dẻo dai của não là một con đườnghai chiều. Nói cách khác, việc thúc đẩy những thay đổi gây hại đến trí nhớ, khả năng tinh thần và thể chất cũng dễ dàng ngang với việc cải thiện chúng vậy. Tôi thích cái cách Tiến sĩ Michael Merzenich, một nhà tiên phong hàng đầu trong nghiên cứu tính dẻo dai của não, nói về điều này: “Người già chính là bậc thầy siêu đẳng trong việc đẩy bộ não dẻo dai của chúng ta đi sai hướng”. Bạn có thể thay đổi não cho tốt hơn hoặc tệ đi thông qua những hành vi và thậm chí là cách tư duy. Những thói quen xấu sẽ được ghi lại thành bản đồ thần kinh và từ đó càng củng cố các thói xấu đó hơn nữa. Ví dụ, tính dẻo dai tiêu cực sẽ thay đổi các kết nối thần kinh và gây ảnh hưởng xấu. Những suy nghĩ tiêu cực và sự lo lắng khôn nguôi có thể gây ra những thay đổi trong não dẫn đến trầm cảm và lo âu. Các trạng thái tâm thần lặp đi lặp lại, nơi bạn tập trung sự chú ý vào, những thứ bạn trải nghiệm, và cách bạn phản ứng với các tình huống, thực sự sẽ trở thành những đặc điểm thần kinh. Một trong những câu thường được trích dẫn của

Tiến sĩ Merzenich là: “Các khuôn mẫu hoạt động của các tế bào thần kinh ở những khu vực cảm thụ có thể được thay đổi bằng các khuôn mẫu của sự chú ý. Trải nghiệm đi kèm sự chú ý dẫn đến những thay đổi vật lý về cấu trúc và cách hoạt động trong tương lại của hệ thống thần kinh. Điều này dẫn đến một sự thật tâm lý rõ ràng rằng… trong từng khoảnh khắc, ta lựa chọn và định hình cách hoạt động của tâm trí luôn-thay-đổi của mình.

Chúng ta lựa chọn con người mà ta sẽ trở thành trong khoảnh khắc tiếp theo bằng cách nào đó, và các lựa chọn sẽ để lại dấu ấn nổi bật trong hình dáng cơ thể hữu hình của ta.”

Trích theo cuốn sách Trí óc minh mẫn – Để não bộ sắc bén ở mọi lứa tuổi – Bác sĩ Sanjay Gupta